Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 01:36 (GMT +7)
Đổi thay thành phố mỏ
Thứ 2, 08/11/2021 | 14:16:07 [GMT +7] A A
Chứng kiến sự đổi thay từng ngày, ngay cả nhiều người dân Vùng mỏ Cẩm Phả cũng không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi nhanh chóng của quê hương. Với nhiều người dân thành phố mỏ, ký ức và hiện tại luôn gắn với sản xuất than, bởi không chỉ là "máu thịt", mà còn là truyền thống, là nếp sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
"Với những người sinh ra và lớn lên thời kỳ trước giải phóng, ký ức về Vùng mỏ là những tháng ngày cơ cực. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, Cẩm Phả là khu công nghiệp khai thác than lớn nhất trong nước. Phu mỏ ngày ấy phải làm 12 tiếng/ngày. Mỗi ngày cai, ký bắt công nhân khai thác 21 xe than. Đàn ông chống cuốc, đào than, xúc lên xe goòng chính được 40 xu/ngày, đàn bà đẩy goòng được 30 xu/ngày... Người dân Vùng mỏ vẫn truyền miệng câu ca: Oằn lưng đội thúng than đầy/ Nửa lon gạo hẩm suốt ngày cầm hơi” - Cụ Hoàng Bách (tức Phạm Khắc Hựu, 97 tuổi, khu Minh Hòa, phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả), cán bộ lão thành cách mạng, kể. Chính sự áp bức đó là khởi nguồn cho Cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn công nhân mỏ từ ngày 12-28/11/1936. Đây là cuộc bãi công lớn nhất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936-1939. Tiếng gọi Vùng mỏ khi ấy là đại diện cho ý chí thép của những người công nhân được tôi rèn.
Còn với thế hệ sau này, hình ảnh của công trường, phân xưởng, tầng than... dần ăn sâu vào ký ức. Hầu hết mỗi gia đình ở Vùng mỏ Cẩm Phả hôm nay có từ 1-2 thế hệ gắn bó với ngành Than. Anh Trương Thành Công, cán bộ Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP Cẩm Phả, chia sẻ: Ông nội anh là người Hải Phòng ra Cẩm Phả lập nghiệp bằng mở lò bánh mì. Lò bánh mì ở phố Đoàn Kết, phường Cẩm Đông chủ yếu bán cho thợ mỏ. Những câu chuyện của thợ mỏ hàn huyên mỗi lần ghé qua lò bánh mì của ông nội đã ăn sâu vào tiềm thức của anh Công từ lúc nào không hay. Lớn thêm, anh Công thường xuyên được bố là công nhân Xí nghiệp Vận tải hành khách ô tô Cẩm Phả (nay là Công ty CP Vận tải và Đưa đón thợ mỏ) cho theo những chuyến xe chở công nhân lên mỏ. Xe chở công nhân lên mỏ ngày đó là những chiếc xe gấu thùng được hoán cải.
Trên thùng xe không có ghế, chỉ có 2 ống sắt hàn ngang thùng để bám, ai có vé (còn gọi là tích kê) thì lên xe. Khi đủ người trên thùng thì phụ xe đóng chốt cửa, xe khởi hành. Ai muốn xuống xe không đúng bến thì thò tay đập đập vào thùng xe kêu bác tài đỗ. Mái che thùng xe được đan bằng tre nứa, rải thêm lớp nhựa đường, giấy nilon, giấy dầu chống dột. Trời mưa, mọi người phải chuẩn bị sẵn áo mưa; mùa đông thì rét cắt da, cắt thịt... Bên cạnh chở công nhân lên mỏ, xe còn chở công nhân đi xem bóng đá tại Sân vận động Hòn Gai, đưa đón công nhân về quê ăn Tết, chở người dân đi lại, học sinh đi nhờ. Những chuyến xe, khai trường mỏ... không chỉ là ký ức, mà còn là “máu thịt” của anh. Ký ức đó đã thắp lên niềm đam mê sưu tầm những câu chuyện, hình ảnh, tư liệu về Vùng mỏ Cẩm Phả trong anh.
Chứng kiến sự đổi thay từng ngày, ngay cả nhiều người dân Vùng mỏ Cẩm Phả cũng không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi nhanh chóng của quê hương. Những ngôi nhà cao tầng thay thế cho những khu tập thể cấp 4 của công nhân xưa; những ruộng rau gắn liền với cuộc sống mưu sinh của người dân phường Cẩm Bình xưa nay đã nhường chỗ cho Trung tâm Thương mại Vincom sầm uất. Phố mỏ ngày ấy chỉ có vài khu đông đúc ở Núi Trọc, Chợ Cũ, Chợ Mới..., nay sầm uất với các đô thị được quy hoạch hiện đại ở Bến Gio, Cẩm Bình…
Ngành Than hiện vẫn là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của Cẩm Phả, là nguồn cội, nền tảng, động lực cho sự phát triển của thành phố mỏ hôm nay. Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, thách thức, người dân Cẩm Phả vẫn luôn đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước.
Cẩm Phả là nơi ghi dấu ấn, lưu giữ những trang sử hào hùng của công nhân ngành Than, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ mỏ: Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai; cầu Poóc Tích 1 - trận địa pháo cao xạ - hầm chỉ huy của Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông; giếng đứng Mông Dương... Với tầm nhìn, tư duy mới, cách làm mới, Cẩm Phả đang từng bước kết hợp hài hòa giữa sản xuất công nghiệp với dịch vụ, du lịch và thương mại; phát huy giá trị các di tích, hình thành sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Thành phố đã xây dựng tuyến phố đi bộ kết hợp không gian văn hóa, thương mại trên tuyến phố Nguyễn Du (phường Cẩm Tây), nơi có nhiều khu phố tập trung nhiều công trình kiến trúc cổ, di tích lịch sử ghi dấu thời kỳ hào hùng của công nhân mỏ. Tuyến phố mang đậm nét văn hóa đặc sắc đời sống của thợ mỏ với Quảng trường 12-11, Nhà lưu niệm Vùng than, Bưu điện cũ, phố Nguyễn Du, phố Lê Lợi, phố Lê Hồng Phong.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Minh Khai (phường Cẩm Tây), cho biết: "Là người dân sinh sống nơi đây đã lâu, tôi luôn mong muốn có một sản phẩm du lịch nhằm phát huy giá trị các di tích trên địa bàn phường. Khi có chủ trương xây dựng tuyến phố đi bộ, nhân dân rất vui mừng, phấn khởi, đồng tình ủng hộ, bởi tạo ra một không gian văn hóa, hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, phát huy giá trị di tích".
Trong tương lai gần, TP Cẩm Phả tiếp tục đầu tư để phát huy tốt nhất các thế mạnh du lịch hiện có. Cẩm Phả sẽ là đô thị điển hình cho việc phát triển hài hòa giữa công nghiệp và du lịch; vừa là “địa chỉ đỏ” cho du khách muốn tìm hiểu về con người Vùng mỏ với nhiều điểm đến hấp dẫn, vừa như "cuốn sách" sống động giáo dục về truyền thống thợ mỏ cho thế hệ mai sau.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()