Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:47 (GMT +7)
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp
Thứ 5, 11/08/2022 | 13:51:32 [GMT +7] A A
Ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với nhiều điểm cầu trên cả nước.
Dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và một số doanh nghiệp tiêu biểu.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Sau hơn 2 năm chống dịch, nhiệm vụ lớn nhất là kiểm soát dịch bệnh đã làm được. Về kinh tế, Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhìn chung được nâng lên; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Thủ tướng cũng bày tỏ chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải khi vừa chống dịch, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh tế. Đồng thời cảm ơn sự đóng góp tích cực, quan trọng của các doanh nghiệp với công tác phòng, chống dịch, thể hiện trách nhiệm xã hội trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thách thức.
Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ trong thời gian qua, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia. Ở Việt Nam, mặc dù có những thuận lợi, song vẫn có những khó khăn nội tại. Mục tiêu ưu tiên hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, trong đó có yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh.
Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "Lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ"; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, dành thời gian tập trung phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước, những thuận lợi và khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải. Thực hiện đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là sau bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, tham gia hiến kế, đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng phục hồi, phát triển bền vững.
Với tinh thần "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", thực hiện chỉ đạo Chính phủ, những năm qua, Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả. Tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp… Quảng Ninh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển. Các sở, ngành, địa phương cũng nâng cao trách nhiệm, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đã tháo gỡ kịp thời "nút thắt, điểm nghẽn", thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, sự trao đổi thẳng thắn của đại diện các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bản lĩnh, lớn mạnh, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng đã nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý; tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu; triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vắc xin theo mục tiêu đã đề ra.
Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh.
Thủ tướng cũng đã chỉ ra các giải pháp và yêu cầu thực hiện. Trong đó tập trung vào đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội…
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()