Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:39 (GMT +7)
Đổi tổ hợp môn tự chọn lớp 10: Bộ có hướng dẫn, trường thấy 'rối thêm'
Thứ 4, 11/01/2023 | 15:44:55 [GMT +7] A A
Ngay sau khi có kết quả học kì 1 năm học 2022-2023, nhiều học sinh lớp 10 có nguyện vọng chuyển tổ hợp môn vì sức học không theo kịp, nhưng theo hướng dẫn mới nhất của Bộ GD-ĐT, học sinh chỉ được đổi vào cuối năm học.
Bộ nói trao quyền, hiệu trưởng không rõ quyền tới đâu
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có Công văn 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn nhà trường thực hiện chuyển trường, đổi tổ hợp môn theo nguyện vọng của học sinh, nhưng theo nhiều hiệu trưởng, hướng dẫn này vẫn còn rất chung chung.
Cụ thể, công văn số 68 có trao quyền “hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề, học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường”. Thế nhưng lại không có hướng dẫn rõ là quyền hạn của hiệu trưởng đến đâu, cụ thể triển khai thế nào...
Điều này khiến nhà trường rối bời, dẫn đến tình trạng mỗi trường, mỗi địa phương sẽ thực hiện một kiểu, cuối cùng học sinh sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Tại Hà Nội, khi được hỏi về hướng dẫn mới của Bộ, thầy Nguyễn Công Sở - Hiệu trưởng trường THPT Lê Văn Thiêm, cho rằng công văn hướng dẫn về việc chuyển môn học tự chọn của Bộ GD-ĐT mới đưa ra chỉ khiến các trường 'rối thêm'.
“Việc bổ sung kiến thức khi học sinh thay đổi môn tự chọn là trách nhiệm của nhà trường. Nhà trường phải có kế hoạch dạy học và hình thức kiểm tra đánh giá là đương nhiên.
Nhưng tôi đang thắc mắc là tại sao không cho học sinh chuyển đổi môn học tự chọn ngay trong học kỳ 1 còn hết năm thì kiến thức 1 năm/môn sẽ quá nặng nếu phải “học đuổi”.
Còn những học sinh đổi nơi cư trú chẳng lẽ cũng phải đợi hết năm học mới được chuyển trường? Đó là điều vô lý.
Tôi cho rằng tốt nhất là nếu học sinh có nguyện vọng đổi môn tự chọn hay chuyển trường thì nên tạo điều kiện cho các em chuyển từ hết học kỳ I thay vì hết một năm học”, thầy Sở nói.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề trên, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Ưu tiên số một hiện nay của ngành giáo dục là phải đảm bảo kiến thức của học sinh, nhất là học sinh lớp 10 đang học Chương trình phổ thông mới, khi kiến thức một bộ môn liên thông với các bộ môn khác, liên thông giữa các kỳ, các năm.
Nhu cầu chuyển trường vì do chuyển nhà cũng rất chính đáng nhưng Hà Nội sẽ xếp sau điều kiện về đảm bảo kiến thức cho các em”.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, đơn vị này cũng đã nắm bắt được nguyện vọng chuyển trường và đổi tổ hợp tự chọn của học sinh nhưng phải thực hiện theo quy định.
Đá quả bóng trách nhiệm sang phía học trò?
Chia sẻ về việc học sinh lớp 10 gặp khó trong chuyển trường, đổi tổ hợp, thầy Trần Đức Ngọc - Hiệu trưởng THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) cho rằng: “Học sinh điều chỉnh tổ hợp tự chọn là bình thường và là nguyện vọng chính đáng của học sinh.
Tôi cho rằng ngành giáo dục phải có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh để các em thực hiện nguyện vọng của mình".
Ngay từ đầu năm học, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT cũng đã hướng dẫn, khi học sinh chuyển trường thì hiệu trưởng có trách nhiệm phải có phương án bù kiến thức cho học sinh.
"Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng từng nói việc học sinh chuyển trường, đổi tổ hợp “giao trách nhiệm cho hiệu trưởng nhưng lại không nói rõ cụ thể thế nào, dạy đuổi thì tài chính ở đâu và dạy thế nào, đánh giá ra sao...
Trong khi công văn mới đây của Bộ GD-ĐT về việc chuyển đổi môn học tự chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT thì lại nói “học sinh phải tự học để bảo đảm kiển thức”, như vậy là “đá quả bóng trách nhiệm” sang phía học trò, chọn sai nên phải tự lo lấy. Tôi cho rằng điều này là không hợp lý”, thầy Ngọc bày tỏ.
Cũng theo thầy Trần Đức Ngọc, yêu cầu học sinh chuyển trường phải trùng 100% tổ hợp môn tự chọn là hoàn toàn sai và điều này là thiệt thòi cho học sinh.
Thầy Ngọc chỉ ra ví dụ: gia đình học sinh ở trong Đắk Lắk muốn về Hà Nội học nhưng trong kia em học tự chọn môn khác và ở ngoài Thủ đô không có trường nào có môn tự chọn như Đắk Lắk thì làm thế nào... Chẳng nhẽ bố mẹ chuyển công tác mà con lại ở lại Đắk Lắk học?
“Khi chuyển trường, học trò chỉ cần chọn trường chứ không phải chọn trường có trùng 100% môn tổ hợp. Như trường tôi, về bản chất chia 2 tổ hợp tự nhiên và xã hội nên học sinh chuyển đến trường có thể chủ động được.
Tôi cho rằng nhà trường, ngành giáo dục phải tìm giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người học khi các em có nguyện vọng chuyển nơi cư trú thì được chuyển trường chứ không cần đợi hết năm học như công văn hướng dẫn”, thầy Ngọc nói.
Được biết, hiện nay Hải Phòng quy định, với học sinh từ nơi khác chuyển đến, nhà trường có trách nhiệm tiếp nhận bất kể thời điểm nào trong năm.
Với quan điểm, không vi phạm quyền lợi học sinh, Hải Phòng không quy định học sinh lớp 10 chuyển trường phải trùng 100% tổ hợp tự chọn.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()