Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:04 (GMT +7)
"Đòn bẩy" giúp đồng bào DTTS thoát nghèo
Thứ 7, 22/10/2022 | 09:33:45 [GMT +7] A A
Một trong những chính sách thiết thực nhất góp phần quan trọng vực dậy kinh tế gia đình của người dân vùng khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chính là nguồn vốn vay hỗ trợ tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo vùng đồng bào DTTS đã dần vươn lên thoát nghèo bền vững.
Vài năm trước chị Triệu Kim Hương (thôn Tầu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) chẳng dám tin mình sẽ có những cánh rừng phủ xanh. Việc có được thông tin về nguồn vốn vay tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH đã nhen nhóm cho gia đình chị Hương hy vọng thoát cảnh khó khăn. Mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo, chị Hương dồn cả vào trồng rừng với các loại cây quế, keo, trà hoa vàng.
Những cánh rừng nhờ bàn tay cần cù chăm sóc của chị Hương luôn xanh tốt, phát triển mỗi ngày. Tiền thu được từ rừng, một phần chị trả nợ ngân hàng, còn lại chị tiếp tục mua cây giống, phân bón, mở rộng diện tích trồng cây. Đến cuối năm 2017, gia đình chị Hương đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định và khấm khá hơn.
Chị Hương chia sẻ: Nguồn vốn thực sự rất quan trọng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đối với hộ nghèo, nguồn vốn càng quan trọng hơn bội phần. Khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, lãi suất cao, nên tôi không thể tiếp cận được vốn vay của các ngân hàng thương mại, do đó vốn tín dụng chính sách thực sự là cứu cánh cho hộ nghèo.
Còn đối với anh Trần Văn Hoan (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên), những đồng vốn mồi từ kênh của Ngân hàng CSXH cùng các kênh dẫn vốn khác từ các tổ chức, đoàn thể, đã giúp gia đình anh vượt qua khó khăn, trở thành hộ tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương với mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên thương phẩm. Đến nay, gia đình anh đã có một trang trại chăn nuôi gà quy mô lên đến hàng nghìn con, mỗi năm doanh thu mang lại từ trang trại lên đến 900 triệu đồng.
Tính trong 20 năm qua, đã có trên 24.000 khách hàng là hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH, với tổng dư nợ đạt gần 1.500 tỷ đồng. Vốn cho vay đối với các hộ đồng bào DTTS những năm qua đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, chuyển biến nhận thức, cách thức sản xuất kinh doanh cho hàng nghìn lượt hộ; giúp cho các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ đồng bào DTTS từng bước quen dần với cơ chế thị trường, mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.
Bên cạnh việc giải tỏa “cơn khát” vốn, tín dụng chính sách cũng đã và đang góp phần hạn chế tình trạng tín dụng “đen”, giúp ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Tiếp tục coi tín dụng chính sách là “bệ đỡ” cho các đối tượng nghèo, đồng bào DTTS vươn lên, trong mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 2 năm qua, Quảng Ninh đã phân bổ 190 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh cho đồng bào tại 65 xã vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay giải quyết việc làm. Đến nay, đã triển khai thực hiện cho vay được trên 1.800 lượt khách hàng, với số tiền 138,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Nguồn vốn đang góp phần quan trọng đưa thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Đồng thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh về phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()