Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:50 (GMT +7)
Đồn Đạc: Hành trình từ xã 135 đến xã đạt chuẩn NTM
Thứ 2, 23/11/2020 | 08:13:52 [GMT +7] A A
Với xuất phát điểm thấp, từ xã đặc biệt khó khăn nhất trên địa bàn huyện Ba Chẽ, Đồn Đạc gặp không ít trở ngại trong hành trình tiến tới đạt chuẩn NTM. Thế nhưng, không phải chỉ đơn thuần vận động, tuyên truyền, mà sự đổi mới cách làm, cách hướng dẫn theo hướng cầm tay chỉ việc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã kéo theo sự đổi thay căn bản của người dân, để rồi giờ đây Đồn Đạc đã dần chạm tới quả ngọt.
Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng ý thức về môi trường sống sạch, gọn gàng của người dân thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc, ngày càng được coi trọng. |
Từng có một cuộc sống vô cùng khó khăn, gia đình chị Trương Thị Thủy, thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc, đến nay đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Là người Dao Thanh Y, thế nhưng nhìn vào căn nhà được sắp xếp gọn gàng của người phụ nữ chạc tuổi ngũ tuần, hẳn không ít người cảm thấy ngạc nhiên vì sự đổi thay trong tư duy, hành động của bà con nơi đây. Không chỉ trông chờ vào 6ha rừng, chị Thủy còn lấy ngắn nuôi dài với 10 con vịt, vài con gà, vừa để cải thiện bữa ăn gia đình, vừa có thêm một nguồn thu nhập nho nhỏ.
Là xã có địa bàn trải rộng đến 130km2, chiều dài từ điểm đầu đến điểm cuối xã là 40km, Đồn Đạc có diện tích rộng và dân cư đông nhất huyện. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện các tiêu chí NTM trên địa bàn xã luôn gặp quá nhiều khó khăn so với các địa phương khác. Chính bởi thế, sự thay đổi của một gia đình, dù chưa thể đánh giá là tất cả, nhưng đã cho thấy phong trào “5 không, 3 sạch” nói riêng và những phong trào xây dựng kinh tế gia đình nói chung đã thực sự phát huy tác dụng, nhất là trong phụ nữ Dao. Không còn trông chờ ỷ lại, họ đã dần chủ động hơn trong việc xây dựng kinh tế gia đình, sống ngăn nắp, gọn gàng.
Người dân tích cực trồng cây tạo bóng mát và làm đẹp cảnh quan cho các tuyến đường. Ảnh: Thùy Loan (Trung tâm TT&VH Ba Chẽ). |
Sự đổi mới tư duy không chỉ thấy rõ ở người dân, mà chính trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đã có sự tiên phong, đi đầu. Để phát triển các mô hình sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, từ tháng 10/2020, xã đã tổ chức đoàn gồm 14 trưởng thôn (do chính đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã làm trưởng đoàn) đi tham quan mô hình trồng cây dổi tại xã Thanh Sơn để học hỏi kinh nghiệm về trồng rừng gỗ lớn và dược liệu dưới tán rừng.
Về lý do chọn cây dổi để phát triển thành cây chủ lực trong thời gian tới, theo ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, tốc độ phát triển của loại cây này tương đương với cây keo nếu trồng cùng thời điểm. Gỗ dổi là gỗ nhóm 2, có giá trị kinh tế cao. Mặc dù có thời gian sinh trưởng và thu hoạch kéo dài hơn so với cây keo, tuy nhiên, dổi có lợi thế là có sản phẩm phụ với hạt dổi cũng đem lại nguồn lợi kinh tế không kém. Ở thời điểm hiện tại, hạt dổi tươi có giá 500.000 đồng/kg và 1,5 triệu đồng/kg đối với hạt khô, có thể lấy ngắn nuôi dài. Hơn nữa, dưới tán dổi còn có thể trồng ba kích. Như vậy, trên cùng một diện tích có thể triển khai được cả 2 dự án chủ lực của Ba Chẽ là trồng rừng gỗ lớn và trồng cây dược liệu.
Toàn cảnh xã Đồn Đạc hôm nay. |
"Đã qua thời kỳ xóa đói, giờ đây chúng tôi tập trung vào phát triển các cây trồng chủ lực để giúp bà con giảm nghèo bền vững, thậm chí làm giàu. Hiện tại, xã đang khuyến khích bà con chuyển đổi dần diện tích trồng keo sang trồng các loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao như dổi, quế, thông mã vĩ, theo đúng chủ trương phát triển cây chủ lực, cây bản địa của tỉnh. Trong vòng 15 năm, nếu như keo phải mất 3 lần trồng, chăm sóc/3 vụ thì các loại cây này chỉ mất công trồng và chăm sóc 1 lần, không bị phụ thuộc vào thời tiết, giá thị trường ổn định", ông Lưu Minh Thắng cho biết thêm.
Đến giờ phút này, số lượng đăng ký trồng rừng gỗ lớn trên toàn xã Đồn Đạc đã lên tới trên 27ha, và có đến 230ha quế.
Phát huy tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với những cách làm đổi mới, xã đã tranh thủ các nguồn lực, phát huy nội lực, tập trung xây dựng NTM. Do đó, đến nay từ một xã đặc biệt khó khăn, Đồn Đạc đã hoàn thành 20/20 tiêu chí với 53/53 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí về xã NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, sẵn sàng về đích NTM trong năm 2020, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()