Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 05:10 (GMT +7)
Dồn sức cao nhất cho những mục tiêu kinh tế xã hội năm 2021
Thứ 2, 13/12/2021 | 11:00:24 [GMT +7] A A
Phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2021, đồng thời tạo nền tảng, động lực cho phát triển của năm 2022 là yêu cầu nêu trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021.
Với mục tiêu hiện thực hoá đến mức cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội của năm 2021, Chính phủ nhấn mạnh các tinh thần trọng tâm. Một là tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, kiên định trong phòng, chống dịch.
Hai là rà soát, bãi bỏ ngay các biện pháp phòng, chống dịch áp dụng tại các địa phương trái với chủ trương, quy định, chỉ đạo của Trung ương, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, cản trở việc đi lại của nhân dân và quá trình khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP, số 105/NQ-CP, số 116/NQ-CP, số 126/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có giải pháp, chính sách phù hợp chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em bị mồ côi, không nơi nương tựa do đại dịch Covid-19. Triển khai hiệu quả các giải pháp thu hút người lao động quay trở lại làm việc, nhanh chóng phục hồi thị trường lao động”- Nghị quyết Phiên họp Chính phủ nêu rõ.
Các giải pháp quan trọng trong điều hành ở thời điểm cuối năm 2021 với các bộ cũng được Chính phủ chỉ đạo trong Nghị quyết Phiên họp.
Trong đó Chính phủ nhấn mạnh việc có giải pháp cụ thể, mạnh mẽ cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch tại các địa phương, theo dõi sát diễn biến thị trường bất động sản, thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy nhanh việc tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh.
Liên quan đến yêu cầu quan trọng với nền kinh tế trong cả năm và đặc biệt ở thời điểm cuối năm là bảo đảm cung ứng, lưu thông nguyên vật liệu, hàng hóa, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương “chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường quản lý, điều hành thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông nguyên vật liệu, hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; triển khai mạnh mẽ các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nhất là vào dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”.
Cùng đó chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp để có giải pháp hiệu quả xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các đề án, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp ngay trong đầu năm 2022 để góp phần duy trì thặng dư thương mại hàng hóa bền vững.
“Khẩn trương rà soát, hoàn thiện Quy hoạch điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) để Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12 năm 2021”- Nghị quyết nhấn mạnh.
Để triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia được yêu cầu khẩn trương tổ chức triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; tổ chức tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các tuyến biên giới đường bộ, từ biên giới vào nội địa, các cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế, tại các thành phố lớn, địa bàn trung chuyển và xuất phát nguồn hàng...
Bộ Tài chính chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2019 của Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài trong thực hiện và giải ngân sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và các dự án thuộc giai đoạn 2016 - 2020 được chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm vừa góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.
Một nội dung đáng chú ý nêu trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ là hoàn thành xử lý các dự án yếu kém của ngành Công Thương trước đây.
Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên cơ sở kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/12/2021, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành việc xử lý đối với 5 dự án theo chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả;
“Đối với 7 dự án còn lại, khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo xây dựng, quyết định và tổ chức thực hiện phương án xử lý sớm, dứt điểm, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền”- Nghị quyết chỉ rõ.
Những ngày này cả nước đang nỗ lực đồn sức cao nhất cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của năm 2021. Nhiều chỉ tiêu quan trọng như xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước đã và đang chạm đích để đạt tới những con số cao hơn kỳ vọng. Việc phấn đấu đạt đến mức cao nhất những mục tiêu của năm 2021 không chỉ có ý nghĩa với năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII mà còn tạo đà, tạo lực đẩy cho những năm sắp đến.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()