Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:32 (GMT +7)
Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số
Thứ 6, 09/07/2021 | 06:43:52 [GMT +7] A A
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ sinh giữa các vùng; tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình, đề án dân số; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số…
Cụ thể hóa mục tiêu mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con, để gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công tác truyền thông đến từng hộ gia đình từ tỉnh đến địa phương đã từng bước được cải thiện. Quy mô gia đình có từ 1 đến 2 con ngày càng phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận hiệu quả các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác...
Chị Nguyễn Thị Quảng Ngọc (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả), dù sinh 2 con gái, nhưng 2 vợ chồng đều không có ý định sinh thêm. Chị Ngọc cho biết: Gia đình luôn cảm thấy mãn nguyện, tự hào, chúng tôi không có ý định sinh thêm, để cùng nhau nuôi dạy con cho tốt, chăm lo, dạy dỗ con học hành tiến bộ.
Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai đến 177 xã, phường trên địa bàn tỉnh, với 177 CLB về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Mô hình tập trung chủ yếu vào thay đổi nhận thức của người dân về giới tính trẻ. Công tác truyền thông đã được cán bộ dân số tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Chị Hoàng Thị Vàng, cán bộ dân số xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, cho biết: Với đặc thù là vùng dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân còn hạn chế, nên cán bộ dân số chúng tôi phải thường xuyên bám sát địa bàn, trực tiếp đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức...
Cùng với việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng triển khai hiệu quả các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi...
Giai đoạn 2016-2020, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực từ cơ cấu dân số phụ thuộc sang cơ cấu dân số vàng, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt, tuổi thọ bình quân năm 2019 là 73,5 tuổi (tương đương với toàn quốc). Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh, tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh năm 2020 là 61,8%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt trên 80%. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 94,1%.
Dân số bước đầu đã có sự phân bố hợp lý, gắn với quá trình quy hoạch, nông thôn mới, đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển KT-XH. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của tỉnh năm 2019 chiếm 64,56%, cao so với cả nước (34,4%) cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng (35,06%). Mật độ dân số trung bình của tỉnh bằng với cả nước là 214 người/km2.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tạ Thị Minh, để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu về dân số trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, vận động chính sách dân số và phát triển; triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng số người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; quan tâm, chú trọng chăm sóc sức khỏe vị thành niên; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số, tạo nền tảng cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Nội dung trọng tâm tuyên truyền trong Ngày Dân số thế giới 11/7 đó là, tăng cường tuyên truyền và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái trong điều kiện có thiên tai, đặc biệt trong dịch COVID-19 đang diễn ra hiện nay; tuyên truyền về tác hại của phá thai (tập trung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi VTN/TN); tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho nhóm đối tượng tại các vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng.
Tuyên truyền để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến pháp luật về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, luật bình đẳng giới, luật phòng, chống bạo lực gia đình, luật hôn nhân gia đình; tăng cường truyền thông về bình đẳng giới, nêu cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội; tăng cường giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ thể chất và trí tuệ là điều cần thiết cho sự phát triển. |
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()