Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 06:27 (GMT +7)
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tại xã Hà Lâu (Tiên Yên)
Chủ nhật, 20/03/2022 | 19:08:05 [GMT +7] A A
Ngày 20/3, tại xã Hà Lâu – một trong những địa bàn khó khăn nhất của huyện Tiên Yên và của tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra, giám sát việc triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về “phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững năm 2022. Cùng đi có các đồng chí: Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Hà Lâu là xã vùng cao thuộc diện khó khăn của huyện Tiên Yên. Toàn xã có 12 thôn với 560 hộ, 2.674 nhân khẩu, 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, ngoài ra sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ phụ trợ cho nông nghiệp.
Với sự quan tâm rất lớn của tỉnh, của huyện, sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc xã Hà Lâu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tới nay, diện mạo của xã vùng cao Hà Lâu đã có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là trường học, y tế… được đầu tư khang trang hơn. Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Năm 2019, xã Hà Lâu đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 giảm còn 0,55%, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm. Kết quả đó cho thấy, tư duy, nếp nghĩ, cách làm của người dân đã được thay đổi căn bản theo hướng tích cực và vẫn luôn giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa các dân tộc.
Cùng với những thành quả trong xây dựng nông thôn mới, xã Hà Lâu nói riêng và huyện Tiên Yên nói chung đang có thêm nhiều cơ hội để phát triển khi có tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành, đưa vào sử dụng; và tới đây là dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 4B từ Lạng Sơn tới Cảng Mũi Chùa (Tiên Yên) được triển khai. Qua đó, sẽ tạo ra những không gian phát triển mới, cũng như điều kiện thuận lợi để nhân dân các dân tộc xã vùng cao của Tiên Yên nâng cao chất lượng cuộc sống được thụ hưởng sự phát triển của tỉnh, giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Tại buổi kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Hà Lâu; mô hình nuôi gà dưới tán rừng tại thôn Bản Phai – Nà Tứ và dành nhiều thời gian để trao đổi, trực tiếp nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, việc triển khai các nhiệm vụ liên quan tới chương trình xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế trên địa bàn xã Hà Lâu.
Thực tế cho thấy, đây vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh. Mặc dù, cơ sở giáo dục, y tế đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên, việc phát huy sau đầu tư còn hạn chế, dẫn tới việc giáo viên, học sinh vùng cao chưa thực sự được thụ hưởng những điều kiện học tập, sinh hoạt tốt nhất. Việc trang sắm một số cơ sở vật chất phục vụ học tập còn mang tính hình thức mà chưa gắn với người sử dụng. Về tổ chức sản xuất, địa phương cũng chưa có được những đề án căn cơ, chưa áp dụng được khoa học công nghệ, dẫn tới hiệu quả kinh tế và giá trị mang lại chưa cao.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do địa phương chưa xây dựng được mục tiêu rõ ràng để cụ thể hóa được các nghị quyết và kế hoạch đề ra. Khâu tổ chức vẫn là khâu yếu, chưa gắn được trách nhiệm cá nhân người đứng đầu địa phương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phê bình, nhắc nhở ngành giáo dục - đào tạo chưa quyết liệt trong thực hiện chỉ đạo của tỉnh liên quan tới việc xóa nhà vệ sinh không đạt chuẩn ở trường học. Trong khi, chính quyền địa phương cũng thiếu sâu sát ở cơ sở, chưa kịp thời phát hiện ra những vấn đề bất cập để có những giải pháp khắc phục.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành giáo dục đào tạo phải có tư duy mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đối với các xã, thôn, bản vùng khó theo mô hình tập trung các điểm trường nhỏ lẻ về điểm trường chính theo mô hình bán trú tuần, đảm bảo điều kiện học tập cũng như chăm sóc dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ; chú trọng đúng mức về phát triển đội ngũ giáo viên ở các xã vùng khó và quan tâm đảm bảo mọi điều kiện sinh hoạt để các thầy cô luôn yêu trường, yêu nghề, yên tâm công tác. HĐND tỉnh cần tăng cường giám sát việc sử dụng các nguồn lực chi cho giáo dục, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí sau đầu tư.
Cùng với giáo dục đào tạo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, xã Hà Lâu sở hữu những điều kiện phát triển kinh tế lâm nghiệp. Vì vậy, địa phương cần mạnh dạn xây dựng đề án trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa như lim, lát, giổi, trồng cây dược liệu dưới tán rừng và khuyến khích động viên nhân dân triển khai mô hình nuôi gà Tiên Yên dưới tán rừng. Tuy nhiên, cần lưu ý quy trình chăn nuôi phải đảm bảo, giữ vững thương hiệu gà Tiên Yên trên thị trường.
Xã Hà Lâu có hơn 4.000 ha rừng của Công ty Thành Tín trước đây đã bị thu hồi, bàn giao cho địa phương quản lý nhưng đến nay vẫn chưa làm dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ xâm chiếm rừng, đất rừng, sử dụng trái phép rừng của các chủ thể, nguy cơ mất an ninh trật tự và có thể dẫn tới vi phạm đất đai. Đồng chí yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh khẩn trương lập đề án, đo vẽ cụ thể, tiếp nhận về tỉnh, trên cơ sở đó giao cho huyện Tiên Yên xây dựng đề án trồng cây gỗ lớn, góp phần tạo đột phá cho phát triển kinh tế của địa phương.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có một số xã, thôn mới ra khỏi diện 135 nhưng còn nhiều khó khăn, vì vậy, ngay sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành ngay Nghị quyết số 06-NQ/TU và sau đó là Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã ưu tiên dành 4.000 tỷ đồng để các địa bàn này từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, tinh thần tự lực, ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và nguồn lực nội sinh của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai dưới cơ sở hiện nay vẫn bộc lộ những vấn đề cần quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện. Đồng chí chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh phải tập trung chỉ đạo, phân khai, phân bổ dứt điểm nguồn vốn đảm bảo công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư dàn trải, manh mún, lãng phí, kém hiệu quả. Đồng thời, tăng cường điều hành giám sát kiểm tra việc sử dụng, đảm bảo hiệu quả sau đầu tư, nhất là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
“Cùng với phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đô thị, kết nối, thúc đẩy liên kết vùng, thì phát triển giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho lao động, chính là con đường duy nhất để nâng cao chất lượng mọi mặt cuộc sống của nhân dân các địa phương như Hà Lâu nói riêng và huyện Tiên Yên nói chung. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định là xây dựng nền văn hoá giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()