Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 12:25 (GMT +7)
Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập huyện Ba Chẽ 4/10 (1946-2021) Truyền thống lịch sử - Sức mạnh tinh thần giúp người Ba Chẽ xây dựng quê hương
Thứ 5, 30/09/2021 | 09:42:41 [GMT +7] A A
Với niềm tự hào là vùng căn cứ địa cách mạng Hải Chi sắt son theo Đảng, trong mọi khó khăn, gian khổ, nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, kiên cường, chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương, xây dựng địa phương ngày một phát triển. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập huyện Ba Chẽ 4/10 (1946-2021), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Khánh Tùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.
Nhìn lại chặng đường lịch sử tự hào 75 năm xây dựng và phát triển của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Đỗ Khánh Tùng xúc động chia sẻ: Trong kháng chiến chống Pháp, Ba Chẽ nằm ở vị trí chiến lược giáp với cửa biển và nối liền với Hòn Gai, Cẩm Phả, là hành lang bảo vệ phía Đông Nam của Chiến khu Việt Bắc. Vì vậy, thực dân Pháp đã tập trung lực lượng khá đông, đồng thời kích động những cuộc tấn công của thổ phỉ và bọn phản động chống phá cách mạng. Trước khó khăn, nguy hiểm đó, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc nơi đây, chính quyền cách mạng ở huyện Hải Chi (nay là huyện Ba Chẽ) chính thức được thành lập ngày 4/10/1946. Ba Chẽ cũng từ đây được chọn là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Hải Ninh. Thời kỳ 1975-1983, Ba Chẽ là nơi đặt Sở chỉ huy của Đặc khu Quảng Ninh, góp phần xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.
Nhớ về lịch sử quê hương, mỗi một người dân Ba Chẽ như được truyền thêm sức mạnh của truyền thống anh hùng cách mạng. Đó cũng chính là sức mạnh tinh thần giúp người dân Ba Chẽ có thêm nghị lực để xây dựng quê hương.
- Xin ông cho biết về những thành tựu nổi bật của Ba Chẽ trong công cuộc đổi mới?
+ Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, với ý chí đoàn kết, sáng tạo vươn lên, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực cùng với sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, Ba Chẽ đã có bước phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Những năm qua, kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15,3%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 43,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng. Trong đó, lâm nghiệp là mũi nhọn, tỷ lệ che phủ rừng đạt 72%, nông nghiệp, chăn nuôi phát triển gắn với đẩy mạnh xây dựng NTM. Tổng sản lượng lương thực bình quân đạt 5.500 tấn/năm.
Nhiều mô hình trang trại, gia trại được hình thành, đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, huyện tập trung đầu tư cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ, với 40 doanh nghiệp và HTX, hơn 400 hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Dịch vụ bưu chính - viễn thông được mở rộng, phủ sóng đến 100% thôn, bản.
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, ngoài nguồn lực của tỉnh, huyện đã huy động xã hội hóa đầu tư cho các xã hoàn thành làm đường bê tông, xây hồ chứa nước, cầu, đập tràn, đảm bảo giao thông được thông suốt, thúc đẩy KT-XH phát triển.
- Những năm qua, không chỉ KT-XH mà đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Ba Chẽ cũng được tỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể hết sức quan tâm, chăm lo, hỗ trợ, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
+ Đúng vậy, KT-XH phát triển là tiền đề để huyện tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương. Tới nay, huyện đã có di tích Miếu Ông - Miếu Bà được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bởi thế, huyện đã quy hoạch khu vực này là trung tâm để tổ chức các hoạt động lễ hội quy mô, góp phần nâng cao đời sống và thụ hưởng văn hóa, tinh thần của nhân dân. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo cũng đạt những kết quả nổi bật. Ba Chẽ là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2012. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả cao, 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các vấn đề an sinh xã hội, chăm lo đảm bảo chế độ cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo, người già neo đơn... được thực hiện tốt.
Diện mạo nông thôn miền núi đổi thay từng ngày. Các sản phẩm đặc thù của địa phương trở thành hàng hóa có thương hiệu. Nhân dân đã biết dựa vào đất rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều mô hình trang trại, gia trại tổng hợp có hiệu quả, góp phần giảm nghèo vững chắc, làm giàu chính đáng. Từ một huyện khó khăn nhất của tỉnh, Ba Chẽ đang từng bước chuyển mình khởi sắc, ngày càng vững bước đi lên.
Năm 2016, Ba Chẽ vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhất. Đây là mốc son lịch sử đánh dấu những nỗ lực phấn đấu, trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ba Chẽ, là niềm tự hào, sức mạnh tinh thần to lớn khích lệ cán bộ, đảng viên, quân và dân Ba Chẽ vượt qua thử thách, vững bước đi lên trong sự nghiệp CNH, HĐH.
- Để Ba Chẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới, huyện đã đề ra những giải pháp gì, thưa ông?
+ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đã xác định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ba Chẽ tiếp tục phát huy những thành tựu trong những năm qua, nêu cao tinh thần đoàn kết, truyền thống quê hương cách mạng, tận dụng cơ hội, vượt lên thách thức, tập trung trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thống nhất ý chí và hành động, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV.
Bên cạnh một số nội dung trọng tâm, các khâu đột phá, như: Không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, năng động; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... thì trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, Ba Chẽ xác định mục tiêu khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương. Vận động nhân dân trồng, phát triển vùng chế biến lâm sản và sản xuất dược liệu, phát triển các thương hiệu thế mạnh, đặc sản của địa phương, các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, phấn đấu đến năm 2025 đưa huyện Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh.
Trước xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, huyện đã khẩn trương xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng. Ngoài những chính sách ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh, huyện còn đề nghị thêm những chính sách ưu đãi đặc biệt, cụ thể đối với các nhà đầu tư sản xuất, đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông lên 5 xã vùng cao, kết nối liên kết vùng, hoàn thiện xây dựng các hồ chứa nước, hệ thống điện, xây dựng và mở rộng CCN Nam Sơn… Hướng tới khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch, trong những năm tới, Ba Chẽ sẽ từng bước đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với quảng bá hình ảnh văn hóa, đất và người Ba Chẽ.
Huyện cũng cần triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nâng cao, các chương trình đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình giảm nghèo của Chính phủ. Thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách và người nghèo.
Truyền thống lịch sử đáng tự hào 75 năm qua là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện những nhiệm vụ mang ý nghĩa chiến lược lâu dài, không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương Ba Chẽ ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ông Hoàng Văn Mít, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ: Ba Chẽ đang bước trên con đường đầy tự hào Chứng kiến từng bước phát triển của huyện tới hôm nay, tôi cảm nhận hết được sự thay đổi diệu kỳ. Mấy chục năm trước, nơi đây chỉ có rừng, đồi, sông suối; nhà cửa lưa thưa, giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn bản không có đường bộ nối liền với trung tâm xã, huyện, phải đi bằng thuyền nhỏ hay chèo mảng. Ngày nay, thôn bản xa xôi cũng có những ngôi nhà cao tầng không kém gì dưới xuôi. Khái niệm về Ba Chẽ nghèo, lạc hậu đã mất dần, thay vào đó là một Ba Chẽ đầy sức sống đang vươn mình. Du khách đến với Ba Chẽ sẽ không còn phải là đi hỗ trợ hộ nghèo, mà để du lịch, tìm hiểu về vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, nhiều đặc sản OCOP mà chỉ nơi đây mới có. |
Hiệu phó Trường PTDT bán trú THCS Đồn Đạc Nguyễn Đức Hùng: Ngành giáo dục Ba Chẽ đã thay đổi vượt bậc Chưa bao giờ ngành giáo dục Ba Chẽ lại phát triển như ngày nay. Trước đây, những người làm công tác giáo dục như chúng tôi rất vất vả, thậm chí phải đến nhà học sinh động viên phụ huynh cho con em đến trường, động viên học sinh đi học. Giờ đây, các em đã học tập chăm chỉ và trở thành nền nếp.Trường của chúng tôi đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng năm học 2020-2021 đã có 18 em đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Đó là sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò, song còn là sự quan tâm chăm lo của huyện, các cấp, ngành trong đầu tư toàn diện cho giáo dục.
|
Bí thư Huyện Đoàn Ba Chẽ Lê Minh Đạt: Nguyện góp sức trẻ xây dựng quê hương đẹp giàu Phát huy vai trò xung kích tình nguyện, tuổi trẻ Ba Chẽ luôn hăng hái đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển KT-XH, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của huyện trong những năm qua. Đông đảo ĐVTN đã tích cực tham gia hỗ trợ các xã xây dựng NTM, tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp mang lại hiệu quả cao. Các mô hình thanh niên lập nghiệp đã tạo sức lan tỏa trên địa bàn, giúp người dân tích cực, chủ động học tập, làm theo, từng bước vươn lên thoát nghèo. Những kết quả đó sẽ tiếp tục là động lực để tuổi trẻ toàn huyện không ngừng phấn đấu, học tập, lao động, góp sức xây dựng quê hương đẹp giàu. |
Nhân viên Trung tâm Hành chính công huyện Ba Chẽ Hoàng Thị Yến: Chung sức xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, tôi cũng như các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Hành chính công huyện luôn cố gắng thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính một cách chính xác, minh bạch, nhanh gọn. Cùng với đó, chúng tôi luôn tự giác phấn đấu học tập, nâng cao trình độ, đặc biệt chủ động ứng dụng các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua dịch vụ công mức độ 3, 4... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cùng huyện thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ. |
Bà Chíu Thị Phương (thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc): Tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Xã Đồn Đạc có phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, vì vậy có vốn truyền thống văn hóa rất đa dạng, phong phú. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân những năm qua luôn được Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện chăm lo chu đáo. Bà con đã có ý thức xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống. Tiêu biểu như nghề thêu thổ cẩm của phụ nữ người Dao được chị em trong thôn, xã rất tích cực truyền dạy nhau để lưu giữ qua các thế hệ. Không chỉ thêu quần áo, qua các lớp đào tạo của huyện, chị em còn biết tạo ra những sản phẩm thêu làm quà lưu niệm để phục vụ phát triển du lịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng huyện cố gắng gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tiến bộ. |
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()