Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:12 (GMT +7)
“Tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, vững bước trên chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao”
Thứ 6, 15/03/2024 | 15:08:50 [GMT +7] A A
Ngày 6/2/2024 vừa qua, huyện Bình Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 148/QĐ-TTg công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. Đặc biệt, cùng với Đông Triều là huyện NTM đầu tiên của miền Bắc, Cô Tô là huyện đảo đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM thì Bình Liêu cũng trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, góp thêm một thành quả đáng tự hào vào hành trình 13 năm xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ninh.
Nhân dịp huyện Bình Liêu tổ chức Lễ công bố đạt chuẩn NTM, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Đức Thắng (ảnh), Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện về hành trình, kết quả 13 năm xây dựng NTM của địa phương.
- Nhìn lại hành trình xây dựng NTM, xin đồng chí cho biết về xuất phát điểm khó khăn của địa phương? + Bình Liêu là huyện miền núi thuộc khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có 7 đơn vị hành chính (6 xã và 1 thị trấn); diện tích tự nhiên: 470,76 km²; dân số của toàn huyện là 33.386 người; gồm các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa... với trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tư tưởng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân còn trông chờ, ỷ lại, chưa tự giác, chưa quyết tâm cao trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM của địa phương. Nhiều phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại, người dân chưa có ý thức tự giác thực hiện nếp sống văn minh, ăn ở hợp vệ sinh cũng là những thách thức không nhỏ đối với Bình Liêu. |
Bình Liêu có địa hình đồi núi cao chia cắt, phức tạp, kết cấu hạ tầng KT-XH những năm đầu triển khai chương trình xây dựng NTM chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm còn thiếu; sản xuất nông, lâm nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chưa khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hầu hết các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM đều chưa đạt. Năm 2010, toàn huyện trung bình mới đạt 2,6/19 tiêu chí, 9,8/39 chỉ tiêu; có 6 xã đặc biệt khó khăn, chưa có xã nào đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 8,82 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên 60%.
- Vậy những “trái ngọt” sau hành trình 13 năm xây dựng NTM của địa phương giờ đây là gì?
+ Chương trình xây dựng NTM của huyện Bình Liêu sau 13 năm đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng thay đổi nhận thức, tư duy, hành động, cách nghĩ, cách làm của mỗi người dân trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con. Diện mạo nông thôn đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp; hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch; hệ thống giao thông được xây dựng mới đồng bộ, kết nối các xã với trung tâm huyện, kết nối huyện với các đô thị của tỉnh; các trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, thiết chế văn hoá, thể thao… được đầu tư đầy đủ, hiện đại.
Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững. Ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch phát triển nhanh, đúng định hướng đã tạo việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa với phát triển kinh tế; môi trường được bảo vệ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh vùng biên giới được tăng cường và giữ vững. Trên các lĩnh vực phát triển KT-XH đều xuất hiện các mô hình, gương điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, xây dựng NTM ngày càng văn minh, tiến bộ.
Sau 13 năm thực hiện xây dựng NTM, từ một huyện miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc, có xuất phát điểm thấp, đến hết năm 2023, toàn huyện có 6/6 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 2 xã Hoành Mô và Húc Động đạt chuẩn NTM nâng cao; thị trấn Bình Liêu đáp ứng đủ điều kiện đô thị văn minh. Huyện Bình Liêu đạt chuẩn 9/9 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021-2025. Thu nhập bình quân đạt 70,52 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn đạt 65,2 triệu đồng. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện là 0,84% (còn 66 hộ cận nghèo, không còn hộ nghèo). Toàn huyện không còn nhà tạm, 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó nước sạch theo quy chuẩn Bộ Y tế đạt 55,13%.
- Theo đồng chí, những yếu tố nào đã đem lại kết quả nói trên?
+ Thành tích trong xây dựng NTM của huyện Bình Liêu đã đạt được một lần nữa khẳng định ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu.
Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, Chính quyền đã tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ theo kế hoạch, lộ trình đề ra, chủ động biến các khó khăn, thách thức thành động lực để phấn đấu phát triển. Đặc biệt, sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, không ngừng phát huy vai trò chủ thể của người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Kết quả ấy có được còn bởi có sự quan tâm của trung ương và của tỉnh, đặc biệt sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, bài bản, khoa học của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, các đơn vị LLVT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đối với huyện Bình Liêu. Tỉnh đã xác định đúng khâu đột phá là tập trung tạo ra bước chuyển căn bản về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, ưu tiên hạ tầng giao thông, giáo dục đào tạo, y tế, nước sạch, viễn thông, điện, chợ…; tìm được một số mô hình sản xuất theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ, du lịch cho các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
Từ nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quan tâm hỗ trợ, huyện đã tập trung triển khai các dự án, công trình trọng điểm, động lực cũng như các dự án, công trình hạ tầng thiết yếu để hoàn thành mục tiêu huyện đạt chuẩn NTM gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Tất cả đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo, bộ mặt NTM đổi thay của Bình Liêu hôm nay.
- Vậy chủ trương phát triển của Bình Liêu trong chặng đường tiếp theo sẽ như thế nào?
+ Xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để duy trì và nâng cao các thành quả đã đạt được làm cơ sở, động lực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản huyện Bình Liêu đạt chuẩn NTM nâng cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Trong đó, tập trung phát triển nông, lâm nghiệp gắn với thực hiện đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, khá giả, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; có hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch và dịch vụ.
Trong niềm tự hào và xúc động với những thành tựu đạt được, thay mặt Huyện uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Bình Liêu, tôi kêu gọi các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, LLVT, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống anh hùng, đổi mới, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, hăng hái thi đua lao động sản xuất và công tác, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Dung (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()