Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:22 (GMT +7)
Bình Liêu: Tươi sáng một dải biên cương
Thứ 6, 15/03/2024 | 09:44:52 [GMT +7] A A
Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, Bình Liêu sau hơn 10 năm triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đã trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM. Vùng đất biên cương Tổ quốc hôm nay đã mang một diện mạo hoàn toàn mới. Đời sống của nhân dân thay đổi căn bản. Cột mốc lòng dân thêm vững chắc. Đây cũng là nền tảng để Bình Liêu đạt được những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đột phá hơn nữa.
“Phép màu” mang tên nông thôn mới
Đồng Văn là xã biên giới khó khăn vào hạng nhất, nhì của huyện Bình Liêu. Có một thời, địa danh này đi vào ký ức của nhiều thế hệ về sự xa xôi cách trở, phương tiện đường bộ là thứ xa xỉ; cái nghèo nàn, lạc hậu cứ luôn đeo bám. Hơn một thập kỷ triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, diện mạo nơi đây chuyển mình rõ nét.
Từ một vùng núi hoang sơ, Đồng Văn giờ đã được phủ kín bằng những rừng keo, hồi, quế và cây ăn quả... Những cánh đồng khô cằn, bạc màu, nứt nẻ mà người dân không biết trồng cây gì, nuôi con gì, sống như thế nào giờ cũng đã được người dân dồn tâm huyết, công sức để cải tạo thành ruộng bậc thang trồng ngô, khoai, sắn, rau màu, cây trái... bốn mùa xanh tốt. Những tuyến đường bê tông trải dài theo từng thôn, bản, hai bên đường phủ đầy hoa thơm, hàng rào cây xanh mát đã thay thế cho những lối mòn chằng chịt cỏ hoang xòa lấp cả mặt đường, đất đá trơn trượt. Những mái nhà lụp xụp đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, mái ngói đỏ tươi được xây dựng khang trang, bề thế, tạo nên ấn tượng về một vùng quê giàu đẹp.
Anh Dường A Tài, thôn Phạt Chỉ, xã Hoành Mô, cho biết “Lúc mới đến Phạt Chỉ lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng nhưng nhờ sự quan tâm của xã, huyện, tạo điều kiện cho vay vốn chăn nuôi đàn gà, lợn, giờ tôi đã có cả một trang trại lợn hàng chục con, gà hàng trăm con. Đặc biệt từ khi có điện, có đường, giao thương buôn bán trong thôn thuận tiện hơn nên gia đình tôi quyết định đầu tư trồng 3ha giống cây hồi, quế. Mô hình này giờ không chỉ giúp gia đình tôi thoát cảnh khó khăn mà còn trở thành hộ có thu nhập khá trong thôn".
Ở Hoành Mô, một xã biên giới khác của huyện Bình Liêu, trên tuyến đường trải nhựa chạy dài thông suốt vào xã, hai bên là những cánh đồng ruộng bậc thang trù phú, những ngôi nhà đủ kiểu từ hiện đại đến kiến trúc cổ thâm trầm lấp ló sau những hàng cây đào, hoa vẫn đang nở rộ. Xa xa là những rừng quế, rừng hồi nhiều năm tuổi đang vào vụ thu hoạch. Cảnh đẹp nơi đây khiến những ai lần đầu tiên đặt chân đến không khỏi ngỡ ngàng.
Là xã đầu tiên của huyện Bình Liêu về đích đạt chuẩn NTM, giờ Hoành Mô đã cán đích NTM nâng cao và đang trong hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Thành quả của chương trình NTM không chỉ mang đến sự đổi thay về hạ tầng mà còn mang đến cho người dân nơi đây sự trù phú. Ông Nông Xuân Tiến, thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, chỉ tay về phía quả đồi xanh ngắt, khoe: "Chỗ hồi gần 15 năm tuổi này là của gia đình tôi cả đấy, tổng cộng là 3ha, thu hoạch hàng năm đem lại cho gia đình tôi khoảng 200-300 triệu đồng. Cuộc sống an nhàn hơn rất nhiều so với xưa”.
Không chỉ ông Nông Xuân Tiến, ở Hoành Mô ngày càng xuất hiện nhiều những gia đình khá giả, giàu có. Những căn nhà biệt thự, những chiếc ô tô tiền tỷ không còn là điều lạ lẫm nữa. Thu nhập bình quân của người dân xã Hoành Mô đạt gần 70 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với mức thu nhập bình quân chung của huyện.
Như một phép màu diệu kỳ, trải qua hơn 10 năm, bức tranh NTM của Bình Liêu đã thêm nhiều sắc màu rực rỡ, đầy sức sống. Hết năm 2023, toàn huyện có 6/6 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã Hoành Mô và Húc Động đạt chuẩn NTM nâng cao. Thị trấn Bình Liêu đáp ứng đủ điều kiện đô thị văn minh. Huyện đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021-2025. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ. Đến nay, 100% đường xã, đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa. 100% số xã có đường ôtô đến tận thôn, bản. 100% các trường học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, 2. 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đạt 70,52 triệu đồng/người/năm (trong đó khu vực nông thôn đạt 65,2 triệu đồng, tăng 22,9 triệu đồng so với năm 2020). Toàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia, không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi đều dưới 10%.
Đời sống kinh tế khấm khá, người dân Bình Liêu tự tin hơn, sôi nổi tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao. Mỗi dịp hội hè, những cô gái Sán Chỉ khéo léo, đảm đang trong lao động, lại cũng mạnh mẽ, uyển chuyển trên sân bóng đá, có khi lại duyên dáng trong điệu hát Soóng cọ. Những chàng trai, cô gái Dao Thanh Phán xúng xính trong trang phục dân tộc trình diễn…
Đáng mừng hơn, từ hiện thực hoá các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM, huyện Bình Liêu ngày càng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá đồng bào các dân tộc và biến những thế mạnh này thành chất liệu đặc biệt để phát triển kinh tế du lịch. Từ một vùng đất chưa được nhiều người biết tới, đến nay, Bình Liêu là vùng du lịch trải nghiệm văn hoá đặc sắc, mỗi năm đón trên 100.000 lượt du khách.
Sự đổi thay của dải biên cương này không ai khác mà người dân chính là người thụ hưởng và cảm nhận rõ nhất cuộc sống đổi mới, nâng cao từng ngày. Ông Triệu Phúc Voỏng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoành Mô, phấn khởi cho biết: Giấc mơ quê hương khởi sắc sau hơn một thập kỷ đã thành hiện thực. Dưới sự quan tâm của tỉnh, sự chung sức đồng lòng của nhân dân, chương trình xây dựng NTM đã khoác lên huyện Bình Liêu một “tấm áo mới”. Được góp phần nhỏ bé của mình vào quá trình xây dựng NTM, chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên quê hương là niềm vui, niềm tự hào của những người con được sinh ra và lớn lên trên vùng đất này”.
“Quả ngọt” từ chủ trương đúng, cách làm hay
Chắc hẳn ít ai hình dung được Bình Liêu từ một huyện có xuất phát điểm thấp với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân còn trông chờ, ỷ lại, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại trong nếp sống; nay đã thay da đổi thịt, mang một diện mạo hoàn toàn mới như vậy. Những thành quả Bình Liêu đạt được hôm nay là kết quả của một quá trình dài mà ở đó những chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán trong việc chăm lo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh quan tâm ban hành và đưa vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Rõ nét nhất là Nghị quyết 01-NQ/TU về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020 ra đời năm 2010. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong một nhiệm kỳ mới nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn Quảng Ninh. Tiếp đó, năm 2017, tỉnh ban hành đề án đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2020, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (Đề án 196). Đặc biệt, năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Đây là nghị quyết chiến lược, thể hiện sự quyết tâm của cả tỉnh trong việc xây dựng, phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo một cách bền vững trên mọi lĩnh vực. Từng bước hiện thực hóa khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Bám sát tinh thần chỉ đạo này, những năm qua, nhiều chương trình, kế hoạch công tác đã được tỉnh, huyện cụ thể hóa. Khâu điều hành, tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt từ tỉnh tới cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn theo dõi sát sao, đánh giá cụ thể về những vấn đề làm được, chưa làm được nhằm đưa ra chỉ đạo kịp thời, đúng với thực tế để địa phương bám sát thực hiện. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh sâu sát kiểm tra, giám sát, dành thời gian trực tiếp đến cơ sở, đến tận những địa bàn khó khăn nhất của huyện, trò chuyện với đồng bào, nắm tình hình để có chỉ đạo kịp thời. Xác định một trong những rào cản lớn nhất đối với Bình Liêu trong thực hiện NTM đó là trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa thực sự tích cực tham gia. Để khắc phục khó khăn này, thời gian qua, tỉnh chỉ đạo huyện đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động. Trong đó, huyện đã chú trọng mở những lớp đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng theo hướng cầm tay, chỉ việc; xây dựng những điển hình tiên tiến về thực hiện mô hình phát triển sản xuất; phát động các phong trào thi đua, tạo ra không khí sôi nổi trong nhân dân.
Để xây dựng NTM, giảm nghèo đi vào chiều sâu, tỉnh, huyện cũng đã dành hợp lý nguồn lực đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, xử lý các điểm ngập lụt; chỉ đạo cấp vốn qua ngân hàng chính sách xã hội để kích thích người dân vay vốn phát triển các mô hình sản xuất, thành lập HTX; đồng thời huy động nguồn lực xã hội trong việc xóa hết nhà ở tạm, nhà dột nát, xóa nhà tiêu không hợp vệ sinh. Tính từ năm 2010-2023, tổng vốn huy động từ các nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bình Liêu đạt trên 430 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 82%; vốn xã hội hóa và vốn vay tín dụng chiếm 7%.
Từ nguồn lực đầu tư của nhà nước đã khơi dậy sức mạnh, khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân. Thể hiện rõ là người dân trong toàn huyện đã chủ động vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế, tìm kiếm việc làm, xây mới nhà ở… Ông Vi Hữu Ngạn, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu, cho biết: “Nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của những hộ dân trên địa bàn. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã bố trí ngân sách 98 tỷ đồng, trong đó riêng vốn theo chương trình Nghị quyết 06 là 41 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lượt người lao động; 275 hộ nghèo xây dựng những căn nhà mới; 275 hộ tiếp cận vốn để phát triển sản xuất kinh doanh”
Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác truyền thông, nhận thức về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt, từ chỗ người dân và cán bộ cấp xã, huyện coi đây là một chương trình đầu tư của nhà nước cho vùng nông thôn, đến nay tất cả đã chủ động tham gia, xóa bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, vào chính quyền. Người dân không những tự vươn lên là người làm chủ trong xây dựng NTM, thoát nghèo bền vững mà còn đóng góp tiền của, sức lực để xây dựng các công trình công cộng, làm đường… Hơn 10 năm qua, đã có hàng trăm m2 đất được nhân dân hiến tặng để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa; hàng trăm nghìn ngày công được nhân dân đóng góp; hàng chục tỷ đồng được huy động để hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa, xây mới nhà vệ sinh, đường bê tông liên thôn, kênh mương nội đồng, tu sửa nhà văn hoá, trạm y tế…
Chặng đường 13 năm xây dựng NTM của Bình Liêu đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào. Thành quả đó đã tạo ra sức sống mới, sức sản xuất mới, quan trọng hơn là tạo ra niềm tin mới trong nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, cho biết: Từ thành quả của hiện tại, huyện sẽ tập trung thực hiện mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó sẽ tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, liên thông, tồng thể; thực hiện các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân; quan tâm thực hiện tốt các tiêu chí môi trường và chất lượng môi trường sống, giữ cho huyện Bình Liêu sáng, xanh, sạch, đẹp, tạo ra sức sống đưa huyện Bình Liêu ngày càng phát triển đi lên.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()