Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:37 (GMT +7)
Đóng góp nhiều vấn đề thiết thực, hiệu quả
Thứ 3, 30/10/2012 | 05:40:45 [GMT +7] A A
Thiết thực tham gia hoạt động tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, ngày 24-10, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận tổ về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Dự thảo Luật dự trữ quốc gia.
Thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, các ĐBQH cơ bản nhất trí. Tuy nhiên, trong 5 chỉ tiêu không hoàn thành lại có những chỉ tiêu hết sức quan trọng, như tốc độ tăng trưởng GDP, tổng đầu tư toàn xã hội, giải quyết việc làm mới, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế triển khai thực hiện chậm; các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chưa thực sự mang lại hiệu quả; xây dựng NTM chưa được kiểm điểm, đánh giá để có giải pháp phù hợp thực hiện mục tiêu đến năm 2015...
Đại biểu Trần Văn Minh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phát biểu tại kỳ họp. |
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, các ĐBQH của tỉnh cơ bản nhất trí với các mục tiêu, giải pháp đã nêu, đồng thời kiến nghị bổ sung và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quan tâm hơn nữa một số giải pháp. Cụ thể là cần nghiên cứu, sớm thành lập BCĐ tái cơ cấu nền kinh tế để đẩy mạnh quá trình này, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm cho người lao động thông qua chính sách các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của nhau; có cơ chế bảo hộ hàng hoá trong nước, nghiên cứu áp dụng trần lãi suất vay đối với các doanh nghiệp, nhanh chóng khôi phục ngành cơ khí. Các ĐB cũng kiến nghị cần đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, như: Nghiên cứu quy hoạch lại hệ thống đào tạo các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề; có sự phân loại đối tượng đào tạo sinh viên, học nghề ngay từ bậc THPT và có sự kết nối chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng sau đào tạo; sớm rà soát rút kinh nghiệm về chương trình xây dựng NTM, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của nông nghiệp; xem xét có cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào đối với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển NTM.
Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của Nhà nước, các ĐB cũng đề nghị nhiều giải pháp, như: Cần tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên và môi trường; rà soát các dự án sử dụng đất, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, kém tính khả thi, đồng thời có chế tài để khi các dự án triển khai không hiệu quả khi thu hồi thì không đền bù; nghiên cứu thành lập trung tâm quản lý đất để quản lý nguồn đất sạch, quản lý quy hoạch, thực hiện công tác đền bù GPMB; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC và tập trung cải cách thể chế theo hướng công khai minh bạch, tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi dịch vụ công.
Chiều cùng ngày, tại phiên thảo luận tổ về Luật dự trữ quốc gia, ĐB Trần Văn Minh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Về mục tiêu của dự trữ quốc gia thì mặc dù Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thu gọn lại, đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác của nhà nước. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần lưu ý: Tại Điều 32 khoản 1 tiết c có quy định “Khi giá cả thị trường tăng, giảm đột biến”, thực chất của vấn đề này là nếu trong tình trạng đó thì Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia để tham gia bình ổn thị trường. Qua thực tế sản xuất, kinh doanh cũng như công tác quản lý thị trường ở nước ta, vẫn cần phải bình ổn thị trường để đảm bảo an sinh xã hội khi có những biến động bất thường về giá cả, đề nghị xem xét bổ sung trở lại nội dung “tham gia bình ổn thị trường” vào mục tiêu của dự trữ quốc gia.
ĐB Trần Văn Minh cho rằng, tại Điều 6 Dự thảo Luật quy định về nguồn hình thành dự trữ quốc gia, bên cạnh ngân sách Nhà nước thì còn có thêm nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, không có bất kỳ một điều, khoản nào quy định về việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực này. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ của Luật, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách Nhà nước. Về tổng mức dự trữ quốc gia, cũng đề nghị xem xét có quy định cụ thể về tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia (có thể tính trên GDP hoặc tính trên tổng chi ngân sách hàng năm) để có mục tiêu cụ thể trong việc cân đối ngân sách nhà nước thực hiện được mục tiêu của dự trữ quốc gia.
Về danh mục hàng hoá dự trữ quốc gia, ĐB Trần Văn Minh cho rằng, trong 11 chủng loại hàng hoá được quy định ở đây, chỉ có 3 chủng loại hàng hoá là được quy định cụ thể (lương thực; muối ăn; xăng, diesel, mazut, dầu thô); 8 chủng loại còn lại quy định theo nhóm, dễ dẫn đến cách hiểu chung chung, phạm vi rộng, gây lãng phí và không phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia. Vì vậy, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa cụ thể hơn để đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ của văn bản luật. Tại Điều 55, khoản 2 “Nội dung quy hoạch tổng thể kho dự trữ quốc gia” và Điều 56, khoản 2 “Nội dung quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia”, ĐB Trần Văn Minh nhận xét, nhiều vấn đề đưa ra trong các khoản này không đúng bản chất là nội dung của quy hoạch, mà là những yêu cầu của quy hoạch. Đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp, đúng với bản chất nội dung của quy hoạch. Tương tự như vậy, cũng cần xem xét chỉnh sửa Điều 58, khoản 2 “Nội dung nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong bảo quản hàng dự trữ quốc gia” cho đúng.
Sỹ Khảo - Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()