Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:40 (GMT +7)
Đóng góp ý kiến vào Dự toán Ngân sách Nhà nước và Phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2013
Thứ 6, 02/11/2012 | 09:43:16 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 4, chiều 31- 10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi thảo luận.
Tham gia phát biểu tại buổi thảo luận có 18 ý kiến. Các Đại biểu Quốc hội đã cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013 đã được trình bày trước Quốc hội. Đồng thời, tập trung vào thảo luận một số vấn đề còn những ý kiến khác nhau.
ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tham gia đóng góp ý kiến vào Dự toán Ngân sách Nhà nước (Dự toán NSNN) và Phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2013, phát biểu tập trung vào vấn đề công bằng xã hội và xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
ĐB Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Về Dự toán NSNN năm 2013, ĐB Ngô Thị Minh, dã đặt ra một số câu hỏi về tình hình giáo dục và y tế như:Tại sao có tình trạng không ít phụ huynh học sinh phải thức thông đêm để xếp hàng xin nhập học cho con vào các trường công lập? Tại sao TP. Hà Nội đầu tư cho trẻ em mầm non công lập mức bình quân là 3,4 triệu/em/năm, trong khi còn không ít trẻ em ở Hà Nội do không còn chỗ học ở các trường công lập lại không được hưởng sự đầu tư này? tình trạng quá tải trong các bệnh viện tuyến Trung ương hiện nay? Trên cơ sở đó, ĐB Ngô Thị Minh kiến nghị: Chúng ta không thể chỉ nghĩ tới việc dùng NSNN để xây dựng thêm phòng học hoặc tăng số giường bệnh cho bệnh nhân trong điều kiện NSNN đang rất hạn hẹp hiện nay. Nếu Chính phủ cân đối nguồn ngân sách nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, tính bình quân trên số người thụ hưởng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục và y tế ngoài công lập chất lượng cao phát triển theo quy hoạch thông qua việc giải quyết chính sách về đất đai, về thuế, về tín dụng hoặc hỗ trợ trang thiết bị, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực… để kéo mức đóng học phí, viện phí ở các cơ sở ngoài công lập này xuống thấp hơn mức hiện nay, phù hợp với số đông người dân có thu nhập ở mức khá thì có lẽ sẽ tiết kiệm được NSNN và sẽ đem lại sự công bằng hơn về cơ hội thụ hưởng NSNN cho mọi người dân, đảm bảo hiệu quả hoạt động cho các nhà đầu tư. Như vậy, chúng ta vừa tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục, y tế ngoài công lập chất lượng cao phát triển đúng quy hoạch, cạnh tranh lành mạnh với các cơ sở giáo dục, y tế công lập; vừa hướng xã hội phát triển đúng với bản chất của công tác xã hội hóa. Khi đó, các cơ sở giáo dục, y tế công lập sẽ dành cho số đông là con em hoặc bệnh nhân thuộc các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… ĐB Ngô Thị Minh đề nghị Chính phủ xem xét ý kiến này khi xây dựng dự toán NSNN năm 2013 và các năm tiếp theo.
Về việc phân bổ NSTW năm 2013: Đại biểu Ngô Thị Minh phát biểu: Vấn đề phân bổ ngân sách cho công tác quy hoạch: Trong lĩnh vực đào tạo, ngành chức năng đang dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm để phân bổ NSNN cho các cơ sở đào tạo công lập. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu sản phẩm đào tạo của các cơ sở này không được xã hội thừa nhận, không đáp ứng yêu cầu của các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Ngành chức năng có yêu cầu gì từ phía các cơ sở đào tạo công lập về việc thanh quyết toán nguồn NSNN khổng lồ này? Tương tự như vậy, nếu các công ty, doanh nghiệp bất động sản của Nhà nước không phải chịu trách nhiệm về việc tiêu thụ sản phẩm (Ví dụ như các các căn hộ dành cho người có thu nhập thấp), thì khi sản phẩm làm ra không được xã hội chấp nhận thì ai sẽ chịu trách nhiệm? ĐB Ngô Thị Minh còn cho rằng: Trên thực tế, chúng ta đã nhận thấy tầm quan trọng của công tác quy hoạch và công tác tư vấn khi cấp giấy phép thành lập các trường cao đẳng, đại học hoặc cấp phép cho các dự án xây dựng các khu đô thị, các khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp. Nếu chúng ta không đòi hỏi các nhà đầu tư phải có trách nhiệm khảo sát nhu cầu thực tế của thị trường, không yêu cầu người cấp phép phải có trách nhiệm tư vấn sâu cho các nhà đầu tư về quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng vùng miền thì hậu quả sẽ nguy hại đối với nền kinh tế. Nếu công tác quy hoạch không đi trước một bước, không đảm bảo tính bền vững và tính hiệu quả thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng phát triển theo phong trào, gây lãng phí tiền của nhà nước như thời gian vừa qua. ĐB Ngô Thị Minh đề nghị Chính phủ phân bổ NSNN thỏa đáng hơn cho công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quy trình chặt chẽ vì đây là việc làm cần thiết để định hướng xã hội phát triển bền vững và hiệu quả.
Vấn đề phân bổ NSNN để giải quyết chế độ, chính sách cho cựu Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến. ĐB Ngô Thị Minh cho rằng: Hiện nay, cả nước đang còn gần 80 ngàn cựu Thanh niên xung phong (TNXP) chưa được hưởng trợ cấp một lần, trên 11 ngàn cựu TNXP chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng, gần 9 ngàn cựu TNXP chưa được hưởng chế độ thương binh, gần 60 ngàn cựu TNXP chưa được hưởng bảo hiểm y tế, trên 11 ngàn cựu TNXP cùng trên 3 ngàn con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng trợ cấp… Sau gần 24 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, Chính phủ mới ban hành Quyết định 104 để giải quyết chính sách cho cựu TNXP. Tuy nhiên, theo Quyết định này thì mức hỗ trợ cho cựu TNXP cô đơn, không nơi nương tựa chỉ là 12kg gạo/người/tháng. Năm 2011, Quyết định này được thay thế bằng Quyết định 40 của Chính phủ nhưng mức hỗ trợ cho cựu TNXP cô đơn, không nơi nương tựa cũng chỉ được hưởng là 360.000 đ/người/tháng. Nguồn chi trả cho đối tượng này Chính phủ lại giao cho các địa phương tự cân đối. Nếu không tháo gỡ sớm những bất cập này thì nhiều cựu TNXP chưa được hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước và số cựu TNXP cô đơn, không nơi nương tựa sẽ khó nhận được sự quan tâm thỏa đáng hơn của nhà nước vì số cựu TNXP này tuổi đã cao và sức khỏe đã rất yếu. ĐB Ngô Thị Minh đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc và phân bổ NSTW hợp lý hơn để giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP.
Về phân bổ NSTW cho việc thực hiện các Chương trình Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt. ĐB Ngô Thị Minh tiếp tục nêu ra câu hỏi: Tại sao Chương trình Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em giai đoạn 2011-2015 đã được Chính phủ phê duyệt với NSNN là 1.755 tỷ đồng nhưng Chính phủ phân bổ cho 3 năm (có cả năm 2013) chưa đạt mức là 150 tỷ đồng? Vậy 2 năm còn lại số tiền trên 1.600 tỷ đồng sẽ được Chính phủ chỉ đạo giải ngân thế nào để đạt mục tiêu đặt ra trong khi công tác bảo vệ trẻ em đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức như: tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị buôn bán, bị vi phạm pháp luật, bị đuối nước và bị nhiều tai nạn thương tích thương tâm khác đang ở mức báo động và đang có chiều hướng gia tăng hiện nay? Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ xem xét lại sự phân bổ NSTW năm 2013 cho Chương trình Quốc gia quan trọng này.
Vấn đề hỗ trợ các dự án nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia phát triến KT-XH ở những nơi vùng sâu, vùng xa cũng được ĐB Ngô Thị Minh đóng góp rất thiết thực vì cho rằng, hiện tại nhiều trường cao đẳng, đại học do nguồn tài chính để tổ chức các hoạt động tình nguyện cho sinh viên chỉ đáp ứng nguyện vọng của từ 5-10% số sinh viên. Vì thế, ĐB Ngô Thị Minh đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cân đối NSNN chi nhiều hơn cho Đoàn Thanh niên để tổ chức các hoạt động tình nguyện cho thanh niên, tạo môi trường lành mạnh để thanh niên tham gia phát triển kinh tế-xã hội, góp phần hạn chế tình trạng thanh niên nghiện hút ma túy, vi phạm pháp luật, tha hóa về đạo đức, lối sống… Đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế nước nhà đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Nguyễn Mai-Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()