Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 16:27 (GMT +7)
Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức
Thứ 5, 06/07/2023 | 22:23:57 [GMT +7] A A
Chiều 6/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về tình hình hoạt động của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vừa qua, tình hình kinh tế-xã hội đất nước có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt, đi cùng với đó có cả khó khăn, trong đó có liên quan hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; khẳng định Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn đồng hành cùng Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ; nêu rõ, tình hình trong nước bên cạnh thuận lợi thì cũng có khó khăn, thách thức; do đó chúng ta phải đồng hành để vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần “đồng hành thật”, “làm đến nơi đến chốn”.
Các doanh nghiệp hôm nay đều mong muốn đóng góp cho phát triển đất nước. Hiện nay, Chính phủ đang ưu tiên cho tăng trưởng vì đã kiểm soát được lạm phát, tập trung 3 động lực là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Vừa qua, vướng mắc gì, ở đâu thì các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan để tháo gỡ với tinh thần có trọng tâm, trọng điểm.
Sau cuộc họp này, Thường trực Chính phủ sẽ có kết luận về vấn đề này. Thủ tướng đề nghị tinh thần làm việc khẩn trương, đi thẳng vào vấn đề, lắng nghe ý kiến, góp ý cho nhau, phải ra được sản phẩm "cân, đong, đo, đếm", làm ra nhiều của cải vật chất cho nhân dân.
* Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiện nay, đơn hàng sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao, điện vừa tăng giá (hiện tượng cắt điện ở một tỉnh phía bắc tạo nên tâm lý bất ổn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất), khó tiếp cận vốn… rất nhiều thách thức khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực sản xuất.
Điều đáng lo ngại là những khó khăn hiện nay hoàn toàn có thể khiến doanh nghiệp gục ngã trước khi có cơ hội phục hồi. Điều nguy hiểm hơn nữa là khi doanh nghiệp “gục ngã” thì người lao động sẽ không có việc làm và thu nhập, đây là vấn đề an sinh xã hội và an toàn xã hội.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội kiến nghị: nhu cầu vay vốn đang nóng lên từng ngày và là vấn đề cấp thiết, rất cần được giải quyết ngay để đáp ứng các hoạt động sản xuất, kinh doanh như mua thiết bị máy móc, bổ sung vốn lưu động và các lĩnh vực đầu tư khác của doanh nghiệp; kiến nghị thành lập ngay ở Trung ương Tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Tài chính làm Tổ phó, các thành viên là đại diện các bộ, ngành, tổ chức đại diện doanh nghiệp Trung ương và một số chuyên gia về kinh tế và pháp luật.
Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một nghị quyết trao thẩm quyền đủ mạnh cho Tổ công tác trên cơ sở chương trình hành động quy mô toàn quốc và tổng thể, có mục tiêu kế hoạch cụ thể để giải quyết các vấn đề cấp bách đang vướng mắc, đồng thời thúc đẩy khả năng phản ứng chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực điều hành của các cấp quản lý trong công tác chỉ đạo điều hành của hệ thống hành chính, nhất là ở cấp địa phương; trong đó, trước mắt tập trung giải quyết tháo gỡ vào 3 vấn đề là vốn, thủ tục hành chính và mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Rà soát loại bỏ ngay một số quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp, lệch nhịp với thực tiễn, gây khó khăn trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư công để nhanh chóng tạo cầu cho thị trường nội địa để bù đắp sự sụt giảm của thị trường thế giới.
Để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị. Cần sớm ban hành Luật phát triển công nghiệp, trong đó theo hướng làm rõ danh mục các ngành, sản phẩm công nghiệp nền tảng ưu tiên phát triển quốc gia và theo lợi thế của các vùng, địa phương.
Xây dựng các biện pháp phát triển công nghiệp theo chiều sâu (theo chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, hàm lượng khoa học công nghệ, phát triển bền vững…); phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương thông qua tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp theo phân công của Chính phủ. Có chính sách khuyến khích tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương, vùng; tăng cường công tác điều phối, phân cấp theo ngành, vùng, lãnh thổ và giữa các địa phương…
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành cũng giải đáp các kiến nghị của các doanh nghiệp.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()