Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:53 (GMT +7)
Đồng hành cùng doanh nghiệp Nông nghiệp
Thứ 2, 05/07/2021 | 06:30:01 [GMT +7] A A
Doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp được xem là “hạt nhân” để thúc đẩy sự phát triển của ngành, nhất là với các doanh nghiệp lớn được đầu tư bài bản về khoa học - công nghệ. Để thu hút lực lượng doanh nghiệp vào lĩnh vực này, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, cũng như triển khai nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, bên cạnh các văn bản của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh còn cụ thể hóa, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp. Tiêu biểu có thể kể đến Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển khoa học - công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 được triển khai từ tháng 3/2017, trong đó mục tiêu ưu tiên là thành lập các khu nông nghiệp công nghệ cao. Quảng Ninh đã dành 6-7% chi ngân sách thường xuyên mỗi năm (tương đương 600-800 tỷ đồng) cho khoa học - công nghệ, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, triển khai cơ chế đầu tư liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với cơ chế hỗ trợ đến 70% lãi suất đầu tư sản xuất trong 5-8 năm; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ hạ tầng đến chân hàng rào; hỗ trợ về mặt bằng, lãi suất, thủ tục hành chính… cho doanh nghiệp
Bên cạnh việc ban hành chính sách, tỉnh còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cũng như triển khai các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc.
Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 17 doanh nghiệp, tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp đầu tư 17/60 dự án được UBND tỉnh phê duyệt. Sở NN&PTNT cũng đang rất tích cực để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ và đưa các dự án vào thực hiện.
Có thể kể đến Dự án nuôi tôm thương phẩm, siêu thâm canh trong nhà kính tại Đầm Hà của Công ty CP Thủy sản Việt - Úc. Trên mặt bằng 38,7ha của giai đoạn 1 đã được bàn giao, chủ đầu tư đã tiến hành san gạt để tạo mặt bằng xây dựng các công trình; lắp đặt thử nghiệm 2 nhà màng theo công nghệ “nhà hơi” để phục vụ nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã ương dưỡng trên 200 triệu con giống cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Hay như Dự án sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm sử dụng công nghệ cao tại TP Cẩm Phả của Công ty Thủy sản N.G Việt Nam. Hiện nay, nhà đầu tư đang đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Sở NN&PTNT đang phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham gia ý kiến.
Ngoài các hoạt động thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Sở NN&PTNT cũng chú trọng phát triển doanh nghiệp tại chỗ theo hướng khuyến khích các trang trại, hộ gia đình, tổ chức nông dân có đủ năng lực, điều kiện hình thành doanh nghiệp, HTX. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 378 HTX nông nghiệp, tạo ra giá trị sản lượng hàng hóa lớn, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn cũng như đem lại thu nhập vượt trội so với kinh tế nông hộ.
Ông Nguyễn Duy Phương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đánh giá: Thời gian qua, nhiều HTX mới được thành lập đã được Sở NN&PTNT tập trung hỗ trợ về đào tạo năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ mới để có thể đứng vững và ngày càng phát triển, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của địa phương. Song song với đó, Sở cũng hướng đến tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn do Trung ương, tỉnh hỗ trợ, để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của các HTX.
Cùng với việc thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm và phát triển kinh tế nông nghiệp tập trung, Sở NN&PTNT luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp gỡ khó trong quá trình sản xuất, tiêu thụ. Nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản như: Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu thụ; tổ chức hội nghị thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19; phối hợp với Sở Công Thương kết nối tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, cửa hàng và trong bếp ăn công nghiệp… Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã hỗ trợ tiêu thụ gần 90.900 tấn sản phẩm nông, lâm, thủy sản các loại và trên 1 triệu quả trứng gia cầm.
Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh: Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đúng hướng và bền vững, vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Vì vậy, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương và những chính sách đặc thù của tỉnh để thu hút các doanh nghiệp đầu ngành có năng lực về tài chính, có công nghệ để tạo nên hạt nhân hình thành các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, Sở sẽ đồng hành, định hướng về những mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh, các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm mà ngành nông nghiệp có thể tham gia hỗ trợ cùng doanh nghiệp, để từ đó có những bước tham khảo cho các doanh nghiệp khi có ý tưởng tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()