Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:30 (GMT +7)
Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số
Thứ 6, 29/04/2022 | 07:06:38 [GMT +7] A A
Thời gian qua, bằng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, Quảng Ninh đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu. Cùng với đó, hiện tỉnh cũng tập trung hỗ trợ xây dựng, phát triển doanh nghiệp số. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn.
Năm 2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động KHCN trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động KHCN, bao gồm: Phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa; hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới và chuyển giao công nghệ. Với Nghị quyết này, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhận chuyển giao công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Chính phủ, hoặc công nghệ thuộc danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh sẽ được hưởng nhiều mức hỗ trợ hấp dẫn. Đặc biệt, khi thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa đến 100 triệu đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 313, Sở KH&CN tỉnh đã chủ động nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp KHCN. Trong đó, nổi bật là việc tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương để tuyên truyền, phổ biến những cơ chế và chính sách ưu đãi của tỉnh liên quan đến lĩnh vực KHCN để doanh nghiệp KHCN được thụ hưởng theo quy định; duy trì chương trình “Cà phê công nghệ”, một số hội thảo, diễn đàn nhằm lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN; đồng hành cùng doanh nghiệp trong ứng dụng, chuyển giao các công nghệ mới vào phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; kết nối chuỗi bảo quản, sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa…
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thống kê khoa học và công nghệ, Sở KH&CN Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp KHCN, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã và đang tích cực ưu tiên giới thiệu những công nghệ tiên tiến, mô hình thực hành tốt về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong các lĩnh vực, từ đó giúp doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ tư vấn thủ tục cho doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp KHCN; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về sản phẩm KHCN, doanh nghiệp KHCN để nâng cao giá trị thương hiệu, tạo uy tín đối với người tiêu dùng…
Với sự hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành của các sở, ngành chức năng, trong đó nòng cốt là Sở KH&CN, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang ứng dụng ngày càng sâu KHCN vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thu về nhiều kết quả tích cực. Điển hình, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh với việc chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất tự động, khép kín hiện đại; đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng; áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP, ISO 22000:2018 và công cụ 5S vào quy trình quản lý, sản xuất để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng sản phẩm… Hay Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt chủ động thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nghiền khô siêu mịn, sấy nung tốc độ cao và đưa robot vào thay thế con người ở những khâu sản xuất nặng nhọc… trở thành doanh nghiệp KHCN đầu tiên của ngành đất sét nung Việt Nam…
Đặc biệt, trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh cũng tạo điều kiện khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ doanh nghiệp từng bước làm chủ công nghệ, tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng cốt lõi của công nghệ số (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, điện toán đám mây...). Trước mắt, tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức tương đối tốt hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh qua các gian hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon, Tiki, Lazada, Sendo, Shopee… Đồng thời, đẩy nhanh nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng các mô hình chuyển đổi số phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, tập trung trước hết vào mảng dịch vụ, du lịch.
Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tỉnh thực hiện là tiếp tục làm tốt vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN; đưa các cơ chế chính sách KHCN của tỉnh đến gần hơn với doanh nghiệp; tham mưu, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về KHCN; tăng cường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Từ đó, quyết tâm lấy KHCN làm một trong những động lực chính thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển bền vững.
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()