Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 20:25 (GMT +7)
Ứng dụng KHCN: Thay đổi bức tranh nông nghiệp
Thứ 4, 23/03/2022 | 09:13:40 [GMT +7] A A
Đông Triều đã và đang tập trung ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp của thị xã.
Sản xuất phát triển nhờ ứng dụng công nghệ cao
Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp hội nhập và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, TX Đông Triều đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình đã tập trung ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao chất lượng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.
Theo đó, người nông dân đã không ngần ngại ứng dụng những thành tựu mới vào trong quy trình sản xuất nông nghiệp, trong đó phải kể đến sử dụng công nghệ thiết bị bay không người lái (gọi là "máy bay") phun thuốc trừ sâu... Điển hình như Công ty Giống cây trồng Quảng Ninh đã ứng dụng "máy bay" phun thuốc trừ sâu cho hơn 23ha lúa.
Ông Bùi Văn Khái, Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất giống lúa Đông Triều (Công ty Giống cây trồng Quảng Ninh), cho biết: Trước đây để phun thuốc cho cây trồng phải sử dụng phương pháp phun xịt thủ công bằng bình phun hoặc một số loại máy móc mặt đất. Những phương pháp này còn tồn tại rất nhiều điểm hạn chế như: Tốn nhân công, lãng phí thuốc và nước, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh không cao do phun không đồng đều, gây thất thoát cây trồng trong quá trình phun, nguy cơ ngộ độc hóa chất cao, ô nhiễm môi trường… "Máy bay" phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa ra đời đã trở thành giải pháp tối ưu nhất hiện nay”.
Không chỉ Công ty Giống cây trồng Quảng Ninh, một số địa phương đã sử dụng thử máy bay phun thuốc trừ sâu tiến đến triển khai trên diện rộng.
Hiện nay, trên địa bàn TX Đông Triều rất nhiều hộ dân đã chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Ông Vũ Huy Cảnh, thôn Tân Thành, xã Việt Dân, cho biết: “Hiện gia đình tôi trồng na theo hướng VietGAP kết hợp sử dụng hệ thống văng tưới nước tự động. Nhờ đó, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm”.
Hay tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 đã ứng dụng KHCN của Israel và Đài Loan (Trung Quốc) về giống, dây chuyền sản xuất trong trồng rau thủy canh, diện tích 2,5ha. Công ty hiện đạt sản lượng khoảng 170 tấn sản phẩm/năm, cung cấp cho các thị trường lớn như TP Hạ Long, TP Hà Nội.
Đáng chú ý trong công tác ứng dụng công nghệ vào sản xuất, trên địa bàn thị xã đã hình thành một khu nông nghiệp công nghệ cao về trồng trọt do Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Công ty đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, đem lại các sản phẩm có giá trị cao, như: Trồng rau thủy canh bằng mành mỏng dinh dưỡng; trồng rau bằng giá thể; sử dụng hệ thống tự động điều chỉnh các yếu tố độ ẩm, dinh dưỡng, nhiệt độ theo yêu cầu… Hiện Công ty cung cấp cho thị trường gần 2.000 tấn sản phẩm/năm.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp
Đến nay, Đông Triều đã cơ giới hóa 95% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch, chủ động tưới tiêu đạt 100%. Tổng số có hơn 2.000 máy làm đất trên địa bàn, 72 máy gặt đập liên hợp, 252 máy tuốt lúa, 2.762 máy bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp… Qua ứng dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất đã góp phần giúp nông dân chủ động được các khâu trong sản xuất, giải phóng sức lao động, chủ động thời vụ gieo, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng năng suất cây trồng, tăng giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.
Nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, Đông Triều đã gặt hái được nhiều kết quả, tính riêng năm 2021 vừa qua, giá trị sản xuất nông nghiệp thị xã đã đạt 1.579 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm trước, tổng sản lượng lương thực đạt 53.790 tấn.
Để phát huy và duy trì những kết quả đã đạt được trong ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, ông Phạm Văn Phong, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã, cho biết: Thị xã đang tập trung chủ đạo tổ chức các nghị quyết về phát triển KHCN, áp dụng các tiến bộ về công nghệ tiên tiến, công nghệ tin học trong quản lý và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng hệ thống quản lý, an toàn thực phẩm VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ vào sản xuất lúa nếp cái hoa vàng, lúa chất lượng cao, cây ăn quả. Đồng thời, đầu tư cho các hoạt động ứng dụng KHCN, khuyến nông, ưu tiên đầu tư cho sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Quan tâm hỗ trợ các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu sản xuất nông nghiệp. Phát triển thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn KHCN lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Áp dụng các giải pháp tưới tiêu và tiết kiệm nước với các đối tượng chủ lực, có giá trị cao như cây ăn quả, hoa, cây cảnh, rau và thủy sản.
Trước mắt, trong năm 2022 này, thị xã tập trung đầu tư KHKT vào phục tráng giống hoa huệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hoa, phát triển kinh tế cho nông dân; chuyển đổi số trong nông nghiệp, chứng nhận VietGAP trong trồng cây ăn quả…
Đặc biệt, thị xã tập trung quan tâm tới Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh vừa được Chính phủ quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh được xây dựng tại xã Hồng Thái Tây với tổng diện tích tự nhiên toàn khu là 106ha. Đây là khu thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao chủ yếu trong lĩnh vực: Trồng trọt, bảo quản chế biến nông sản (rau, cây ăn quả, hoa, cây cảnh), sản xuất chế phẩm sinh học, thuốc điều hòa sinh trưởng cho cây trồng..., đào tạo tiếp nhận chuyển giao tiến bộ KHKT phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, vùng và cả nước.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()