Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:39 (GMT +7)
Đồng hành cùng UNESCO trong bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản thế giới Vịnh Hạ Long
Thứ 2, 05/09/2022 | 16:11:47 [GMT +7] A A
Trong thời gian qua, UNESCO đã có sự hợp tác chặt chẽ và đóng góp tích cực cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá di sản thế giới vịnh Hạ Long.
Công cuộc đổi mới của đất nước bắt đầu từ năm 1986, thì năm 1987, Chính phủ Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước Quốc tế 1972 về bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, tạo điều kiện và mở ra một giai đoạn mới cho việc hoà nhập vào các hoạt động quốc tế trên lĩnh vực văn hóa nhất là về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Việt Nam. Và cũng trong năm ấy, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã đệ trình lên UNESCO danh sách dự kiến 10 di sản của Việt Nam có khả năng trở thành di sản thế giới trong đó có vịnh Hạ Long. Năm 1991, Thủ tướng Chính phủ cho phép Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các địa phương lập hồ sơ khoa học 5 di sản văn hoá và thiên nhiên trong đó có vịnh Hạ Long, trình UNESCO xem xét, công nhận di sản thế giới. Trải qua bốn năm nghiên cứu, lập hồ sơ đầy thử thách, khó khăn với nhiều trạng thái, cung bậc cảm xúc khác nhau, vào ngày 07/12/1994, vịnh Hạ Long là di sản thế giới thứ hai và là di sản thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam được Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới. Sự kiện này là “tấm hộ chiếu văn hóa” để vịnh Hạ Long hội nhập, hợp tác với quốc tế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, mở đầu cho hoạt động hợp tác với UNESCO trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, việc tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban Quản lý vịnh Hạ Long với chức năng là cơ quan chuyên môn tham mưu về quản lý, bảo vệ và khai thác, phát huy giá trị khu di sản ngay sau khi vịnh Hạ Long được vinh danh được coi là bước quan trọng trong công tác tổ chức quản lý, là câu trả lời thực tế và rõ nét nhất đối với một trong năm câu hỏi mà Hội đồng Di sản thế giới đã chất vấn khi xét hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long, đó là “Những việc cần làm ngay sau khi vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thế giới ?”. Cùng với việc ban hành Quyết định số 142/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đến năm 2020, các cơ chế chính sách và các dự án bảo tồn, tu bổ tôn tạo được quan tâm đầu tư, tạo được hiệu quả cao trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản và tạo hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế xã hội, du lịch của tỉnh nhà có thể được xem là bước ngoặt lớn, tạo tiền đề cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong việc thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế nói chung, UNESCO nói riêng trong công cuộc bảo tồn di sản.
Trong suốt khoảng thời gian trên, thế giới chứng kiến biết bao đổi thay và bản đồ di sản thế giới cũng thay đổi to lớn. Nếu như năm 1994, cả thế giới mới có 342 di sản, trong đó có 94 di sản thiên nhiên, 229 di sản văn hóa và 19 di sản hỗn hợp đến đến ngày hôm nay thế giới đã có 1.154 di sản với 218 di sản thiên nhiên, 897 di sản văn hóa và 39 di sản hỗn hợp. Theo dõi con số trên ta thấy mặc dù số lượng di sản thế giới tăng gần gấp 3 lần, số di sản văn hóa tăng gần gấp 4 lần nhưng số di sản thiên nhiên chỉ tăng gấp hơn 2 lần và chỉ chiếm 1/5 trong số tổng các di sản thế giới. Điều này cho thấy để lọt vào danh sách di sản thiên nhiên khó khăn hơn nhiều so với di sản văn hóa bởi lẽ nó hoàn toàn phải dựa vào tiêu chí mang tính khoa học có thể định tính, định lượng và xác định được một cách cụ thể. Trong số các di sản thiên nhiên thì di sản thiên nhiên gắn với biển như vịnh Hạ Long được xem xét một cách khắt khe hơn, thời điểm vịnh Hạ long được ghi danh, trên toàn thế giới mới chỉ có vịnh Porto ở đảo Corse của Pháp và vịnh Shark ở Úc là hai di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới gắn với biển. Điều này cho chúng ta thấy rõ hơn ý nghĩa to lớn của việc vịnh Hạ long được công nhận Di sản thiên nhiên, nó khẳng định vị thế và giá trị thẩm mỹ nổi bật toàn cầu của vịnh Hạ Long mà không ai có thể phủ nhận được và từ rất lâu đã đi vào thi ca, truyền thuyết, phim ảnh của thế giới.
Năm 2000, vịnh Hạ Long một lần nữa được UNESCO vinh danh tiêu chí nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo. Thêm một tiêu chí là thêm niềm tự hào nhưng trên hết là thêm một trách nhiệm đối với những người làm công tác bảo tồn di sản vịnh Hạ Long. Sự kiện carnaval Hạ Long 2010 đánh dấu sự hợp tác nổi bật trong lĩnh vực giao lưu văn hóa mang tầm quốc tế, đồng thời một loạt các di sản thế giới mới của Việt Nam được UNESCO vinh danh đã thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức và cá nhân quốc tế, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đứng trước tình hình mới là phải nỗ lực bản thân để bảo tồn bền vững giá trị khu di sản. Với việc đưa hoạt động hợp tác quốc tế đi vào quy chuẩn và sự chỉ đạo, quan tâm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh, sự phối hợp và tư vấn của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, trưng bày triển lãm, tuyên truyền quảng bá về vịnh Hạ Long; thực hiện các dự án bảo tồn di sản vịnh Hạ Long với tài trợ từ Quỹ Di sản thế giới UNESCO như: dự án hỗ trợ lập Kế hoạch quản lý du lịch bền vững, dự án hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ quản lý, dự án hỗ trợ nghiên cứu địa mạo, dự án nghiên cứu khả thi Bảo tàng sinh thái Hạ Long, dự án Nâng cao năng lực Ban Quản lý vịnh Hạ Long, dự án đánh giá hiệu quả quản lý Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, hỗ trợ tư vấn công tác quản lý, bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long và phát triển du lịch bền vững...với tổng kinh phí 790.895 USD. Bên cạnh đó, hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học và nhiều đầu sách giới thiệu về di sản vịnh Hạ Long cũng đã được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, nhiều bộ phim về vịnh Hạ Long do UNESCO và các hãng truyền hình quốc tế lớn như CNN, NHK, BBC… thực hiện đã giúp du khách trong nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ về những giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; Hàng trăm cán bộ của Ban Quản lý vịnh Hạ Long được tham dự các cuộc tập huấn, đào tạo, hội thảo nâng cao năng lực do UNESCO tổ chức nhằm đáp ứng cho nhu cầu lâu dài của công cuộc bảo tồn di sản.
Để chủ động hơn trong việc nắm bắt các thông tin và xu hướng trong công tác bảo vệ di sản, hàng năm tỉnh Quảng Ninh đều cử đoàn công tác của tỉnh cùng với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tham dự kỳ họp thường niên của Ủy ban Di sản thế giới. Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn vịnh Hạ Long, tại các kỳ họp 35 và 37, Ủy ban Di sản thế giới đã có thông điệp chúc mừng những giải pháp thành công của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý di sản trong hoạt động bảo tồn tài sản của nhân loại. Cũng từ những nỗ lực đạt được này mà từ kỳ họp lần thứ 38 (năm 2014) của Ủy ban Di sản thế giới, vịnh Hạ Long đã được đưa ra khỏi danh sách “Những di sản bị khuyến cáo” của UNESCO. Điều này góp phần làm tăng vị thế của Việt Nam nói chung và di sản vịnh Hạ Long nói riêng trong tổ chức UNESCO và trên trường quốc tế trong đó có sự đồng hành và ủng hộ của UNESCO. Với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, trong 27 năm xây dựng và trưởng thành đã khẳng định được vai trò vị thế của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời là đơn vị đã xây dựng và phát huy hiệu quả mối quan hệ hợp tác trong công tác quản lý, bảo vệ Di sản vịnh Hạ Long, có mối quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức quốc tế cùng trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn di sản thiên nhiên, đặc biệt là đối với tổ chức UNESCO thông qua sự tư vấn, hỗ trợ đắc lực của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Hai mươi bảy năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đạt được nhiều kết quả quan trọng với nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu, đó là bài học, kinh nghiệm về nhận thức và ứng xử đối với một di sản đặc biệt như vịnh Hạ Long; mối quan hệ mật thiết giữa bảo tồn với phát huy di sản; sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, tinh thần đồng lòng, chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội; sự gắn kết, ủng hộ, giúp đỡ trong ngôi nhà chung Di sản thế giới.... để xây dựng và thực hiện các biện pháp, cách thức phù hợp nhất nhằm khai thác, phát huy nguồn “tài nguyên đặc biệt” là di sản trên cơ sở tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các quy định của quốc tế. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ tích cực của UNESCO về chuyên gia và tài chính, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã xây dựng được Kế hoạch quản lý di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long các giai đoạn 2011 - 2015, 2017 - 2021, 2021 - 2025, thực hiện đánh giá hiệu quả quản lý di sản để nhận diện các nguy cơ tác động tiềm tàng và xây dựng Bộ chỉ số giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn di sản và hoàn thành đánh giá sức tải vịnh Hạ Long phục vụ quản lý và phát triển du lịch bền vững…
Quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã và đang tác động đến khu di sản vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh bằng tiêu chí: ĐẸP, trong đó những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là thách thức lớn nhất trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng nhanh là vấn đề mà Ủy ban Di sản Thế giới đã khuyến cáo đối với vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, những tác động từ yếu tố bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai… trong giai đoạn hiện nay rất khó lường và để lại hậu quả nặng nề, cần có những giải pháp căn cơ, tích lũy lâu dài để đối phó các tình huống phát sinh và đòi hỏi sự sáng tạo trong phương pháp thực hiện để hướng tới sự phát triển bền vững ở tương lai; yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo tồn di sản phải luôn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Công ước quốc tế 1972 và Luật Di sản văn hóa nhằm đảm bảo trong chặng đường trước mắt và tương lai lâu dài, di sản vịnh Hạ Long tiếp tục được bảo vệ nguyên trạng và là nền tảng, hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh trong công cuộc thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại phát triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững, xứng đáng là một trong những trung tâm phát triển của miền Bắc và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Vì vậy, hành trình của di sản vịnh Hạ Long không thể tách rời được với hoạt động của UNESCO với sự hỗ trợ động viên cũng như hướng dẫn tư vấn cho chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Di sản trên lộ trình bảo tồn bền vững và phát huy giá trị tiêu biểu của di sản cho quốc gia, cũng là Di sản có giá trị nổi bật toàn cầu của nhân loại, di sản của cộng đồng.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - UNESCO đang ngày càng phát triển tốt đẹp, cùng với việc Việt Nam đang là ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ phi vật thể giai đoạn 2022-2026, đang ứng cử Ủy ban Di sản di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 và Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – UNESCO giai đoạn 2021 - 2025 đã được ký kết càng khẳng định công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản thế giới ở Việt Nam nói chung, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nói riêng sẽ ngày càng được phát huy bền vững, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế của Quốc gia thành viên Việt Nam. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của bà Tổng Giám đốc Audrey Azoulay không chỉ thể hiện sự quan tâm của UNESCO đối với di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới của Việt Nam, mà còn chứng tỏ vai trò, vị thế và những đóng góp quan trọng của Quốc gia thành viên Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của thế giới trong những năm qua, trong đó có di sản thế giới vịnh Hạ Long.
Bài viết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay và trước thềm Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (gọi tắt là Công ước Quốc tế 1972) với chủ đề “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức tại tỉnh Ninh Bình ngày 06/9/2022 - mở đầu cho chuỗi các hoạt động thế giới kỷ niệm Công ước 1972 và đánh dấu 35 năm Công ước được thực thi ở Việt Nam. Trong bối cảnh các quốc gia đẩy mạnh nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường năng lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
|
P.D.H
Liên kết website
Ý kiến ()