Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 05:42 (GMT +7)
Đồng loạt cảnh báo xung đột leo thang ở tây nam Myanmar
Thứ 7, 25/05/2024 | 17:03:56 [GMT +7] A A
Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và một số quốc gia khác đồng loạt cảnh báo về tình trạng leo thang của cuộc xung đột tại bang Rakhine, phía tây nam Myanmar.
“Các thị trấn và làng mạc ở bang Rakhine liên tục nằm trong tầm ngắm của các nhóm vũ trang nổi dậy. Tất cả người dân đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực ở mức độ nghiêm trọng. Họ phải có trách nhiệm giải trình trước cộng đồng quốc tế về những ‘tội ác tàn bạo’ đã gây ra ở Myanmar”, Mỹ, EU, Anh, Canada, Úc và một số quốc gia khác nói trong một tuyên bố chung hôm 24-5.
Theo Hãng tin Reuters, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) hôm 24-5 đưa ra lời cảnh báo nguy cơ bạo lực gia tăng đạt mức nghiêm trọng ở khu vực bang Rakhine.
Văn phòng này đưa ra lời cảnh báo sau khi họ nhận được những báo cáo về việc giết hại dân thường, đặc biệt là những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya và đốt phá tài sản.
Phía OHCHR ước tính khoảng 45.000 người Rohingya đã phải chạy trốn đến khu vực biên giới Myanmar - Bangladesh do giao tranh khốc liệt.
Cũng theo Reuters, những người dân tộc thiểu số Rohingya phải đối mặt với sự đàn áp ở Myanmar - nơi phần đông người dân theo Phật giáo, trong nhiều thập kỷ qua.
Tuần trước, Đội quân Arakan (AA), nhóm nổi dậy ở bang Rakhine tuyên bố giành quyền kiểm soát thị trấn Buthidaung tại bang này. Thị trấn Buthidaung nằm cách thành phố Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, khoảng 90km về phía bắc. Sittwe vẫn đang do quân đội Myanmar kiểm soát.
AA cho biết trong số những nơi họ đã kiểm soát có một "sở chỉ huy chiến lược quân sự", nhưng không nêu chi tiết.
AA là một trong một số các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở các khu vực biên giới của Myanmar. Đầu tháng này, AA tuyên bố họ đã bắt giữ hàng trăm quân nhân Myanmar làm tù binh, sau một cuộc tấn công gần Buthidaung.
Từ tháng 10-2023 đến nay, khu vực biên giới ở khắp Myanmar liên tục hứng chịu làn sóng xung đột bùng phát giữa các phe thiểu số nổi dậy và chính quyền quân sự Myanmar.
Hàng chục nghìn người dân đã phải gấp rút sơ tán đến vùng khác, xin tị nạn ở nước bạn hay thậm chí là cố gắng trốn sang những nước láng giềng của Myanmar như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ hay Bangladesh để bảo toàn tính mạng.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()