Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:22 (GMT +7)
Dòng thương, dòng nhớ - Một dòng thơ
Thứ 2, 20/03/2023 | 08:14:46 [GMT +7] A A
Những người lạc quan nhất cũng ngần ngại đưa ra một nhận xét: Những người trẻ tuổi không thích làm thơ, không muốn làm thơ. Tôi hỏi vì sao thì không ai giải thích thỏa đáng lý do ấy. Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh vài năm gần đây có một vài tác giả được coi là trẻ cũng sinh vào những năm 1968 đến 1970, tuổi ngũ tuần có dư rồi.
Thế rồi, cuối năm 2022, một tác giả trẻ mà tôi được đọc là Nguyễn Thị Thu Hằng và chị được kết nạp vào Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh. Tuổi Kỷ Mùi 1979 trong tôi là một trong số ít gương mặt thơ trẻ mà tôi được biết trong Chi hội Văn học, ấy là nói riêng về bộ môn thơ. Tôi và Thu Hằng khá thân nhau khi chúng tôi là những hội viên của các câu lạc bộ: Thơ Đường luật Hạ Long, Lục bát Hạ Long và Thơ Hà Tu. Thu Hằng đang là giáo viên mầm non và chị không giấu tình yêu thơ của mình. Tập thơ “Ngược dòng thương nhớ” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2022, mỏng nhưng khá dày dặn về chất lượng và đa dạng về thể loại, thể tài. Cả tập thơ chỉ nhõn 3 bài lục bát, còn lại 14 bài thơ Đường và 16 bài thơ tự do. Trong 16 bài thơ tự do, khá nhiều bài chị dùng niêm luật, phong cách, hơi hướng thơ Đường nhưng cấu trúc không đúng thơ Đường truyền thống nên tôi vẫn xếp là thơ tự do. Nhưng đọc tách ra từng khổ trong đó theo lối tứ tuyệt thì đích thị là thơ Đường. Mấy bạn thơ thích lời đầu sách của Thu Hằng. Tôi đùa: Thu Hằng viết tản văn thì phải: “…Một cơn gió vô tình mơn man trên phiến lá, một bóng ai ngang qua cũng khiến tôi lâng lâng… Tâm hồn luôn khoáng đạt, lãng mạn. Tình yêu cũng rộng mở cùng vạn vật… Mọi thứ đến rồi đi. Khi ồn ào dậy sóng, lúc nhẹ nhàng như hơi thở, mơn man như sợi gió…”.
Là một bạn thơ của Thu Hằng nhưng cách chơi thơ của tôi tách bạch hẳn với tình bạn thông thường. Quý chị nhưng khi vào cuộc bình thơ, tôi quyết liệt và có phần gay gắt, đôi lúc khiến bạn thơ không khỏi phật ý, mếch lòng. Khá nhiều bạn thơ phản ứng tôi ra mặt nhưng sau đó, những bạn thơ ấy thân thiết với tôi nhất. Thu Hằng thì không thế. Chị nhẫn nại và tiếp thu khá nhanh. Cơ bản nhất ở bạn thơ Thu Hằng là tình yêu thơ. Chị nắm bắt khá chắc về niêm luật, quy tắc các thể thơ đòi hỏi sự chuẩn mực về lề lối, ngôn ngữ đặc trưng như thơ luật Đường và lục bát. Thu Hằng hay trao đổi với tôi trước về bản thảo hoặc trên văn bản viết tay, hoặc qua tài khoản zalo cá nhân.
Thu Hằng vẫn như cô nữ sinh, có phải do chị làm nghề sư phạm mầm non nên thơ của chị vẫn anh ánh màu mực tím loang tà áo dài trắng và những cánh phượng phủ màu son trên ghế đá sân học đường. Vẫn còn chút tư duy thơ mực tím nên ngôn ngữ thơ trong “Có một ngày” cũng tim tím:
Có một ngày rợp trời hoa phượng đỏ
Tiếng trống trường giục giã trước mùa thi
Đưa nét bút run run mà ngẫm nghĩ
Mực tím thơ ngây thân thương đến lạ kỳ.
Nhưng đến “Vệt nhớ” lại chững chạc, già dặn:
Trong cơn mê nhịp trống trường thoáng đổ
Thảng thốt tìm một vệt nhớ thương.
Chỉ thoáng qua mấy bài nhưng tôi vẫn nói rằng: Người thiếu phụ làm thơ đang muốn nuối níu lại những khát khao thời nữ sinh ngắn ngủi. Thoáng những hình tượng “dòng tên rêu phủ kín”, “trống trường nằm tư lự” đã thấp thoáng đâu đó trong những dòng lưu bút “hoa học trò” mà ta đã đọc trong ngồn ngộn mùa thi, man mác mùa hoa phượng rụng đỏ sân học đường…
Tập thơ có 3 bài lục bát 4 câu. Đây là một bài thơ lục bát hay trong 3 bài thơ đó:
Sương sa lạc xuống chân cầu
Gió buồn ngơ ngác mây sầu lang thang
Trăng treo một bóng võ vàng
Ánh trăng như rót muộn màng vào đêm.
(Cảnh đêm)
Phàm là những người yêu thơ Đường khi viết thơ tự do hoặc lục bát đều có những ngôn ngữ không thể “thoát” được cái bóng Đường thi. Thơ lục bát là thể thơ thuần Việt, gần gũi với ca dao, gần với dân ca nên ngôn ngữ vốn dĩ dung dị, đại chúng và dễ hiểu. Những “trần gian”, “du ca”, những “mây sầu lang thang”, “một bóng võ vàng” giống như một khách “trang đài” lạc gót hồng cô liêu vào miền hoa cỏ đồng nội nơi thôn ổ vậy. Kể cũng thú vị!
Câu lạc bộ thơ Đường Hạ Long quy tụ những cây viết yêu cổ thi. Có khá nhiều tác giả nữ nhưng phần nhiều đã chững chạc ở lớp tuổi từ 60 trở lên. Những giọng thơ nữ cũng rất chững chạc và rất giàu nữ tính. Họ rất vững niêm luật và đặc biệt ngôn ngữ thơ Đường rất… Đường thi. Thật hiếm hoi trong đó, Nguyễn Thu Hằng là tác giả trẻ người nhưng không non thơ. 14 bài phong cách thơ Đường trong này không những đầy đủ chất Đường thi về giọng điệu mà ngôn ngữ cũng vượt lên trên tuổi của chị. Bài “Bóng loang” là một bài thơ như thế:
Ai dựng thành sầu vẽ trái ngang
Khơi sâu suối lệ xiết hai hàng
Hoa tình khép nhụy bên thềm vắng
Quả mộng buông đài giữa bãi hoang
Nếu đã đi qua miền thổn thức
Thì sao để lại phút mơ màng?
Nghe trong gió loạn buồng tim vỡ
Biển ái nay còn một bóng loang.
Từ những câu thơ mang đậm ngôn ngữ tuổi mực tím, độc giả tự hỏi, khi đọc những Đường thi nghiêm ngắn như thế này thì liệu có phải Thu Hằng nhí nhảnh tuổi thiếu thời không đây?
Mượn bút đề thơ gửi mộng vào
Khơi nguồn cảm xúc nhẹ nhàng trao
Bên dòng Bích Thủy hồn xuân đắm
Giữa áng Hồng Vân lửa hạ trào
Bởi nắng vô tình buông sắc liễu
Hay lòng hữu ý điểm màu sao
Mà thương lữ khách chiều thu ấy
Mượn bút đề thơ gửi mộng vào.
(Gửi mộng)
Điểm ra đây 2 bài trong 14 bài Đường thi, tôi chỉ muốn bạn đọc thấy thể loại thơ này vốn kén người viết và cũng cực kỳ kén độc giả. Tìm được một giọng điệu cổ thi trên thi đàn khá hiếm, tìm trong các CLB lại càng khó thay! Nhưng những vẩy vàng vẫn lấp lánh trong sa mạc thơ. Thu Hằng chính là một hạt cát lẫn chất vàng mà chúng ta đã thấy. Những người đàn bà làm thơ dẫu nghiêm ngắn, đoan chính nhưng không khỏi lụy tình. Gương soi trong the phòng đài trang nữ sĩ vẫn anh ánh tia lạ đó sao! Thi nhân mến tài nhau là có thật! Thi nhân len lén gài cánh hoa trong trang thơ là có thật! Thu Hằng không ngoài cái “len lén” đó chứ! Chút đa đoan trớ trêu dù gì vẫn đeo bám phận má hồng chữ nghĩa đó sao!
Vườn hoa sẵn lối hỡi cô mình
Có muốn ta cùng dưỡng gốc xinh
Sắc mượt cành tơ vừa độ đấy
Ong say kiếm mật bướm say tình
Hoa dù quá vụ vẫn khoe bông
Lữ khách vui chơi chớ ngắt Hồng
Nhớ nhé gai mềm nhưng sắc nhọn
Hỏi người quân tử dám đùa không?
(Phấn hương)
Nàng thơ chơi thơ sòng phẳng, ngang phân cùng quân tử, không hề kém cạnh. Người bạn thơ ấy không phải bạn tình nhưng lại là người tình muộn trong thơ nên nàng chủ động mời người quân tử đang dùng dằng nửa dừng, nửa đi:
Ta làm tri kỉ của nhau đi
Diễm phúc trời ban nghĩ ngợi gì
Thế thái nhân tình bao khổ lụy
Bất đồng quan điểm cũng đôi khi
Ta làm tri kỉ được không anh
Dưỡng gốc vị tha vạn sự lành
Trí tĩnh tâm bình trong thế cuộc
Ươm mầm nhân ái lộc thêm xanh.
(Tri kỷ)
Cũng rất thông cảm với Thu Hằng. Chị mới trình làng tập thơ mỏng chỉ với 33 bài nên đây đó còn rải rác những gợn sạn, Những câu từ đáng ra không có trong Đường thi “bởi nắng, hay lòng, mà thương…” hoặc “Bất đồng quan điểm cũng đôi khi”, hoặc nói về cha vất vả mà như câu văn nói: “xoay xở êm, hình cha vắng vẻ, vết thương nào vẫn ở”. Dù mong muốn Thu Hằng giữ hồn cốt thơ Đường nhưng tôi cũng không muốn chị để “gió biếng đi hoang” hai lần trong tập thơ nhõn 33 bài và những “rêu phong thành quách” đã thành lối đi mòn sáo trong lối tư duy vốn dĩ sáo mòn và đầy tính ước lệ của thơ Đường một “thời xa vắng” ở một cây bút thơ Đường mà tôi hằng yêu mến.
Đã chững chạc trong thi phẩm đầu tay, tôi và những người bạn thơ của Thu Hằng mong muốn sự chững chạc và dày dặn hơn trong tập thơ lần tới của chị.
Nguyễn Đình Thái
Liên kết website
Ý kiến ()