Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:24 (GMT +7)
Đồng USD mạnh kéo giá vàng lao dốc
Thứ 4, 07/09/2022 | 11:12:59 [GMT +7] A A
Giá vàng trong nước sáng nay (7/9) giảm theo đà trượt dốc của giá vàng thế giới.
Lúc 9h45 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 65,9 - 66,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua (6/9).
Cùng thời điểm, tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng tại khu vực Hà Nội giao dịch ở mức 65,85 - 66,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp điều chỉnh tăng 60.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra, lên 65,9 - 66,64 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới giảm mạnh
Trên thế giới, rạng sáng nay giá vàng giao ngay giao dịch ở mức 1.700,8 USD/ounce, giảm 12 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 10 giao dịch lần cuối ở mức 1.703,3 USD/ounce, giảm 19,5 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá vàng giảm sâu do chịu áp lực khi đồng USD chạm mốc cao nhất trong vòng 2 thập kỷ. Rạng sáng nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng mạnh 0,66% lên mức 110,25. Đồng bạc xanh liên tiếp tăng mạnh khiến sức hấp dẫn của vàng đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác giảm.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu tăng vững chắc cũng là một yếu tố chống lại vàng trong rạng sáng nay. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đạt 3,347% khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không lãi suất như vàng tăng cao.
Đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu tăng cao nhờ được thúc đẩy bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực của mình sau báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM). ISM cho biết, chỉ số lĩnh vực dịch vụ của nước này đạt 56,9% trong tháng 8, tăng so với mức 56,7% trong tháng 7. Dữ liệu này cũng đánh bại mức dự báo của các nhà kinh tế là 55,4%.
Trước đó phiên ngày 6/9, giá vàng thế giới rời khỏi mức cao của một tuần đạt được lúc đầu phiên do đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng giữa lúc nhiều đồn đoán các ngân hàng trung ương lớn tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ.
Khoảng 2h02 phút sáng 7/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.699,70 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 30/8 là 1.726,49 USD/ounce trong phiên giao dịch tại châu Á. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% xuống 1.712,9 USD/ounce.
Sự chú ý của thị trường trong tuần này là cuộc họp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/9 tới, trong đó ngân hàng này dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Trong khi đó, thị trường đặt cược 73% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 20 - 21/9 tới.
Theo Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư TD Securities (Mỹ), áp lực lên thị trường hiện nay đều liên quan đến triển vọng chính sách tiền tệ trên toàn thế giới trong năm tới.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm sau số liệu cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ tăng trở lại vào tháng 8/2022, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2022 do đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Lợi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ) nhận định đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng đã kéo giá vàng đi xuống. Dù thị trường có thể xuất hiện một vài hoạt động mua vào giá rẻ, giúp vàng duy trì ở một mức trên thị trường, nhưng rất khó để kim loại quý có thể phục hồi với điều kiện hiện nay.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()