Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 12:06 (GMT +7)
Đông y giải nhiệt mùa hè
Thứ 7, 30/04/2022 | 14:35:54 [GMT +7] A A
Để giúp cơ thể cân bằng nhiệt trong mùa nóng, Đông y có một số loại nước uống, món ăn bài thuốc, vị thuốc… giải nhiệt (thanh nhiệt), làm mát cơ thể, giúp giải tỏa cái oi nóng của mùa hè.
Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể chúng ta dễ mệt mỏi và bị mất nước, gây suy nhược, thậm chí choáng, ngất (say nắng).
1. Giải nhiệt là gì?
ThS.BS. Nguyễn Đình Thục, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho biết, nhiệt được tạo ra từ nhiều nguyên nhân:
- Nhiệt từ ngoài vào gọi là ngoại nhân.
- Nhiệt từ bên trong cơ thể mà hóa sinh gọi là nội nhân, là do những rối loạn về tình chí (yếu tố tinh thần kinh) và công năng các tạng phủ (yếu tố chuyển hóa) gây nên,
Đối với nhiệt từ ngoài vào: Khi mới bị phong nhiệt xâm nhập ngoài biểu thì phải dùng các vị thuốc tân lương để giải biểu, đặc biệt là các nhân tố thử, táo, hỏa ... thường gặp vào mùa hè xâm nhập cơ thể sinh ra nhiệt.
Đối với nhiệt từ bên trong: Như âm hư lâu ngày sẽ sinh nội nhiệt, thì phải dùng các vị thuốc tư âm (bổ âm) để thanh nhiệt. Nếu do thực nhiệt thì phải dùng các vị thuốc hàn (lạnh), lương (mát) để dùng.
Tính chất của nhiệt là nóng bức, dễ gây hao tổn tân dịch, nên phải dùng các loại rau, cây, củ, quả, vị thuốc có tính chất hàn, lương để sử dụng. Đông y gọi là "chính trị" chứng nhiệt thì dùng thuốc hàn.
Tùy theo nguyên nhân tác động mà nhiệt tạo nên các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau: Nhiệt tích ở da (bì phu) gây mụn nhọt, lở loét. Nhiệt tích ở đường hô hấp (phế tạng) gây đau họng, viêm khí phế quản, viêm phổi.... Nhiệt tích ở đường tiêu hóa (tỳ, vị, đại tràng) gây tưa lưỡi, loét miệng, viêm dạ dày, loét hành tá tràng, táo bón, trĩ hạ...
2. Một số phương pháp giải nhiệt bằng Đông y
1.2. Các loại nước uống như: Trà xanh, nụ vối hoặc lá vối, nhân trần, quả la hán, cây chó đẻ răng cưa, rau má, chè vằng, cỏ ngọt, râu ngô, cúc hoa, hoa hòe, quả dứa dại, mạch môn, đậu đen sao, mướp đắng, bí đao... đun lên làm nước uống có tác dụng giải nhiệt thông dụng mà dân gian chúng ta vẫn dùng hàng ngày, đó là sử dụng các vị thuốc
Người ta có thể dùng độc vị (một vị) hoặc có thể dùng một vài vị phối hợp với nhau (phối ngũ) để tạo nên những loại nước giải khát thơm ngon, dễ uống và làm tăng hiệu quả thanh nhiệt, giải độc, mát gan như: Hoa hòe với cúc hoa, đậu đen với mạch môn, nụ vối với quả la hán, râu ngô với quả dứa dại..., thậm chí có thể phối hợp khá nhiều vị với nhau để tạo nên các loại trà tam bảo, ngũ bảo, bát bảo…
2.2. Các món ăn, bài thuốc giải nhiệt như chè bột sắn dây, chè đậu xanh, chè đậu đen, canh đậu đỏ; cháo vỏ dưa hấu, gạo tẻ; chè đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen; cháo đậu đen, gạo lứt; ngó sen; đậu ván trắng; củ cải trắng…
3. Lưu ý khi sử dụng
Khi sử dụng các loại nước giải khát, các món ăn bài thuốc, vị thuốc thanh nhiệt, giải nhiệt cần chú ý một số vấn đề sau đây:
- Liều lượng cần vừa phải, tránh lạm dụng quá mức, đặc biệt đối với trẻ em, người già và những người tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng.
- Sau những bữa ăn có nhiều đồ sống lạnh thì nên giảm lượng các loại nước uống giải nhiệt để tránh gây rối loạn tiêu hóa.
- Khi chọn mua các cây cỏ này ở dạng khô thì phải tránh thứ bị ẩm mốc và đã để quá lâu, không còn hoạt chất có lợi. Tốt nhất là nên mua loại tươi về nấu nước uống hoặc tự phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận để dùng dần.
- Không nên uống các loại nước giải nhiệt quá nhiều vào buổi tối.
- Do mỗi người có mỗi thể tạng khác nhau nên cần lựa chọn vị thuốc, món ăn, thức uống phù hợp với cơ địa.
- Các loại này thường có tính lạnh, mát, có các vị đắng nhẹ, lờ lợ hoặc ngọt nhẹ, nên người tạng hàn không nên dùng.
- Các loại nước giải nhiệt thường có tác dụng lợi tiểu, vì vậy nếu dùng lâu dài thay nước uống có thể mất cân bằng điện giải, kém hấp thu một số vi khoáng như calci, kali… Do đó, dù là tốt, cũng không nên dùng thường xuyên, kéo dài…
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()