Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 12:27 (GMT +7)
Đột phá hạ tầng giao thông, đô thị
Thứ 3, 13/06/2023 | 13:18:00 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, Quảng Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển đô thị và xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Qua đó, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
3 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tình hình thế giới có nhiều biến động, kéo theo đó rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, việc làm của nhân dân. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dành nguồn lực, thu hút đầu tư, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông. Theo dự tính của tỉnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023, ước đạt 294.059 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn này đạt khoảng 10,2%/năm (mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh tăng trên 10%/năm). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ.
Tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác các công trình, như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cầu Tình Yêu, đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; hệ thống các công trình giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu.
Cùng với đó, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam, là nơi hội ngộ của các chuyến tàu du lịch đẳng cấp quốc tế ngày hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Chuỗi cảng du lịch trong tỉnh cũng đầu tư đồng bộ, khai thác theo mô hình “một điểm đến, nhiều tiện ích”, như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu - cửa ngõ đưa khách đến với Di sản, Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long; Cảng cao cấp Ao Tiên được thiết kế theo chủ đề không gian xanh - cửa ngõ mới để Quảng Ninh khai thác hiệu quả lợi thế du lịch biển đảo vốn đang rất được ưa chuộng...
Mặt khác, hạ tầng giao thông đối nội của tỉnh cũng hiện rõ tính kết nối liên thông, tổng thể và liền mạch. Cùng với các tuyến đường trục chính, tuyến đường du lịch mới, kết nối đến các trung tâm du lịch trong tỉnh đã hình thành. Điển hình: Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, trục cảnh quan ven biển đẹp của Quảng Ninh, nối liền Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long với các công trình kiến trúc ấn tượng, các trung tâm thương mại, mua sắm, chợ đầu mối... Thêm nữa, nhiều tuyến đường, như: Đường vào Khu di tích Yên Tử (TP Uông Bí); đường làng quê Yên Đức (TX Đông Triều); đường vùng cao Bình Liêu… được làm mới, mở rộng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu di chuyển của du khách.
Hệ thống giao thông khu vực nông thôn, miền núi cũng ngày càng đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền trong tỉnh… Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam.
Ông Lê Mạnh Hiền - người dân Quảng Ninh xa quê hương lâu ngày trở lại, tâm sự: “Mặc dù luôn dõi theo sự phát triển của quê nhà, nhưng nay trở về thăm, tận mắt chứng kiến, càng thấy rõ sự đổi thay nhanh chóng của quê hương mình, nhất là đường sá, giao thông thuận tiện, hiện đại. Đặc biệt, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vừa khánh thành, giúp chúng tôi di chuyển ra TP Móng Cái rất nhanh. Thực sự tôi rất phấn khởi, bởi Quảng Ninh ngày một phát triển, nhân dân được thụ hưởng những thành quả ấy…”.
Hiện nay, tỉnh đang gấp rút triển khai nhiều dự án giao thông động lực, như: Cầu Cửa Lục 3; đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều); đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn I)… Tỉnh cũng chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận triển khai đầu tư và hoàn thành Cầu Triều và đường dẫn nối QLộ 18 với TL389; dự án cầu Lại Xuân và tuyến đường hai đầu cầu; xây dựng cầu bến Rừng và hệ thống đường dẫn; cải tạo nâng cấp đường 342 kết nối tỉnh Lạng Sơn; tuyến đường nối từ QL279 (xã Tân Dân, TP Hạ Long) đến ĐT291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang)…
Đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046km), đây là bước đột phá mới của tỉnh Quảng Ninh trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, công tác quy hoạch, quản lý đất đai, hạ tầng đô thị được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh. Quảng Ninh có 13 đô thị. TP Hạ Long là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí là đô thị loại II; Quảng Yên, Đông Triều là đô thị loại III; Vân Đồn, Tiên Yên, Quảng Hà là đô thị loại IV; 4 thị trấn (Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Cô Tô) là đô thị loại V… Quảng Ninh nằm trong tốp những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (khoảng 68,5%)
Từ tỉnh có xuất phát điểm thấp, Quảng Ninh đã vươn lên tốp các địa phương phát triển năng động nhất cả nước. Trong đó, đột phá hơn, cả tỉnh đã vận dụng hiệu quả các giải pháp trong thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()