Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 02:43 (GMT +7)
“Đột phá” - sao lâu thế?
Chủ nhật, 19/08/2012 | 04:53:19 [GMT +7] A A
Trong cuộc hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Tầm nhìn mới” do Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức tại TP Hạ Long vào cuối tháng 7 vừa qua, trong bản tham luận của mình, ông Đỗ Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đề cập đến một vấn đề rất đáng quan tâm; đó là việc xây dựng Bảo tàng sinh thái Hạ Long, mà như ông nói, đây là “một giải pháp đột phá trong bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long trong giai đoạn mới”…
Trước hết, phải khẳng định rằng những gì mà ông Thắng trình bày trong bản tham luận đều đúng. Và không ai nghi ngờ khi ở phần kết luận, ông Thắng nhấn mạnh: “Sự ra đời của Bảo tàng sinh thái Hạ Long sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành một chính sách quốc gia đối với phát triển du lịch di sản bền vững ở Việt Nam…”.
Thế nhưng, nghe xong bản tham luận, vẫn thấy băn khoăn…
Không phải băn khoăn bởi không đồng tình với quan điểm cần phải xây dựng Bảo tàng sinh thái Vịnh Hạ Long; cũng không phải vì nội dung dự án xây dựng Bảo tàng sinh thái có điều gì bất cập, không phù hợp yêu cầu thực tiễn của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long trong bối cảnh hiện nay! Mà băn khoăn là bởi những điều này… nghe cứ thấy quen quen! Dường như nó đã được đề cập đến, nói đúng hơn là đã được “nhấn đi nhấn lại” từ nhiều năm nay rồi! Chính xác là từ cuối thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước!
Còn nhớ, ý tưởng xây dựng Bảo tàng sinh thái Hạ Long đã hình thành từ quãng năm 1999-2000, mà người chủ xướng là ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch hiện nay; khi ấy ông Tuấn là Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Đây là dự án được coi là “mang tính đột phá” và cuối năm 2002, nó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến là 17.442.890USD, với thời gian thực hiện trong 5 năm (nghĩa là đến năm 2007 thì các hạng mục dự án đều phải hoàn thành). Thế nhưng, vì nhiều lý do, cả lý do khách quan và chủ quan, việc triển khai các hạng mục của dự án chỉ theo kiểu “nhỏ giọt”… Đến năm 2006, để thúc đẩy tiến độ, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Quản lý dự án Bảo tàng sinh thái Hạ Long (trực thuộc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long). Nhưng do nhiều bất cập, hầu như Ban Quản lý dự án Bảo tàng sinh thái Hạ Long chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà không có mấy tác dụng thực tế. Và được biết cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định bằng văn bản nào, nhưng thực chất Ban này cũng coi như đã “tự giải thể”… Ấy là chưa kể trong quá trình thực hiện dự án, các hạng mục luôn bị điều chỉnh, thay đổi (nhìn chung là theo hướng “co lại”…); rõ nhất là trong việc chọn địa điểm, quy mô v.v.. xây dựng Trung tâm bảo tàng sinh thái, một nội dung quan trọng nhất trong dự án này…
Nhắc lại những chuyện này để thấy rằng có những dự án mặc dù khi nói đến ý nghĩa, tác dụng thì không ai không đồng tình, nhưng khi đưa nó vào thực tiễn lại cứ “lùng nhùng”, hết gặp khó khăn này, đến trắc trở nọ. Đã đành có lý do chủ quan, cũng có cả lý do khách quan, nhưng tại sao không nhìn thẳng vào sự việc để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tìm ra giải pháp tốt nhất? Việc này chắc chắn chỉ một mình Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khó có thể làm được. Và vì thế, cũng không nên trách ông Thắng khi lại một lần nữa chỉ biết nhấn đi nhấn lại, rằng đây là “giải pháp mang tính đột phá” như… cách đây 10 năm đã từng nhấn mạnh!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()