Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 02:22 (GMT +7)
Đột quỵ tử vong liên tục, làm sao tránh?
Thứ 3, 05/09/2023 | 15:51:00 [GMT +7] A A
Đột quỵ tiếp tục khiến nhiều người lo lắng khi bệnh ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Nhiều người đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Cách phòng ngừa đột quỵ và sơ cứu người đột quỵ?
Mới đây, một tài xế xe khách tuyến TP.HCM - Bình Thuận bỗng đột quỵ khi đang chở khách. May mắn cho hành khách trên xe, tài xế trước khi gục xuống đã cố gắng dừng xe an toàn (tài xế được đưa đi cấp cứu, sau đó tử vong). Nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở độ tuổi nào, làm ngành nghề gì.
Cách xử lý khi có người đột quỵ
Các bác sĩ nhấn mạnh trong đột quỵ, phòng ngừa và điều trị phòng ngừa là quan trọng nhất. Một khi đột quỵ xảy ra thì tỉ lệ tử vong và tàn phế rất cao, vì mỗi phút trôi qua có gần 2 triệu tế bào não chết đi và không hồi phục. Do đó cần nhanh chóng sơ cứu người bị đột quỵ và đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất trong thời gian sớm nhất.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phước (khoa nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.HCM) hướng dẫn:
Khi phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ, người dân nhanh chóng gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất.
Trong thời gian chờ xe cấp cứu, cần cho bệnh nhân nằm nghiêng trên nền phẳng (nếu bệnh nhân có nguy cơ nôn, sặc), đo SPO2 nếu có thiết bị, nới lỏng quần áo thoáng mát... Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống hay dùng thuốc, không áp dụng các phương pháp dân gian như cạo gió, chích lể 10 đầu ngón tay hay vắt chanh vào miệng...
Bác sĩ Phước cho hay điều trị dự phòng đột quỵ hiện nay là điều trị các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường...
Để hạn chế nguy cơ mắc đột quỵ, người bệnh phải điều trị và uống thuốc thường xuyên theo chỉ định bác sĩ.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân hiếm gặp cũng gây ra đột quỵ cần được bác sĩ khảo sát sâu hơn như phình động mạch não, dị dạng động mạch não hoặc có khối u ở trong não chuyển sang xuất huyết... với các biểu hiện điển hình như thường xuyên đau đầu, buồn nôn hoặc nôn không rõ nguyên nhân.
Người dân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần. Việc áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu để kiểm tra tầm soát, đánh giá nguy cơ mắc đột quỵ phải được sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì có thể gây tốn kém không cần thiết.
Tăng nguy cơ đột quỵ vì ít vận động, ăn uống không lành mạnh
Thạc sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn (Bệnh viện Đại học Y Dược, cơ sở 3) cho biết việc sinh hoạt không đúng giờ giấc, ăn uống quá nhiều chất béo và chất ngọt, ít vận động, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá hay tình trạng căng thẳng kéo dài đều là các nguyên nhân có thể dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, khi đang ngủ, đang làm việc hoặc đang chơi... Song tại một số khung giờ, bệnh có tỉ lệ xảy ra cao hơn cả, đặc biệt là lúc nửa đêm, 4-5 giờ hoặc rạng sáng 6-7 giờ. Đây là thời điểm máu đậm đặc nhất, huyết áp tăng, nhiệt độ bên ngoài giảm mạnh nên dễ bị đột quỵ do thay đổi nhiệt độ.
Thạc sĩ Minh Mẫn cho biết ngoài nguyên nhân do bẩm sinh hoặc di truyền thì hầu như đều liên quan đến lối sống không lành mạnh và có thể phòng ngừa được.
Để phòng ngừa cần hạn chế sử dụng chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá. Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Nếu bỏ thuốc, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc. Ngoài ra, giữ tinh thần lạc quan và ôn hòa... đóng vai trò rất quan trọng. Hạn chế thức khuya thường xuyên.
Bên cạnh đó, kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
Những người mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây đột quỵ.
"Có thể nói chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những biện pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, nhiều thịt trắng, hải sản, hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đồ chiên xào, thức ăn nhanh. Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...", bác sĩ Mẫn nhấn mạnh.
Ngoài ra, tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh, tiêu thụ lượng mỡ thừa. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch dẫn đến đột quỵ.
Cần kiểm tra định kỳ bệnh lý nền cho tài xế chuyên nghiệp
Theo PGS Nguyễn Huy Thắng - trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 - đột quỵ xảy ra với những tài xế chuyên nghiệp là điều cần quan tâm vì có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người (cùng ngồi trên xe và đang lưu thông trên đường).
Một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản cho thấy tỉ lệ đột quỵ xảy ra ngay khi lái xe là 4%, trong số đó 16% trường hợp đã gây ra tai nạn giao thông sau đó.
Qua trường hợp này, PGS Thắng cho rằng ngoài việc kiểm tra thị lực, thính lực, cần phải có chế độ kiểm tra định kỳ các bệnh lý nền (như cao huyết áp, đái tháo đường, tiền sử co giật...) cho những tài xế chuyên nghiệp. Điều này hết sức quan trọng, vì có thể liên quan tính mạng của rất nhiều người.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM) - cho biết đột quỵ có rất nhiều triệu chứng khác nhau, tuy nhiên quan trọng nhất là người điều khiển phương tiện giao thông phải nhận biết được dấu hiệu đột quỵ.
Khi thấy mình xuất hiện dấu hiệu manh nha của đột quỵ phải nhanh chóng dừng xe lại ngay, nếu không sẽ xảy ra tai nạn rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông, nếu tài xế thấy mình không được khỏe thì cần báo ngay cho tài xế phụ để thay thế. Nếu không có tài xế phụ, cần dừng xe ở vị trí an toàn để theo dõi tình hình sức khỏe, trong tình huống này hành khách sẽ dễ dàng thông cảm.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()