Theo Bộ Công Thương, mặt bằng giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn 29,7-39,5% so với cùng kỳ nửa đầu năm 2022. Cụ thể, giá xăng RON 95 hiện ở mức 21.420 đồng một lít, giảm 35%; dầu diesel ít hơn 39%, dầu hỏa ít hơn 37% và mazut khoảng 29%.
Tuy nhiên, Bộ này dự báo giá nhiên liệu trong nước có thể tăng trở lại trong quý III khi giá thế giới đi lên. Dẫn phân tích, dự báo của hãng tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie, Bộ này cho hay, bình quân dầu thô thế giới ở mức 87-92 USD, tức giá thành phẩm khoảng 90-98 USD một thùng xăng, dầu diesel. Mức này giảm gần 13-23% so với cùng kỳ 2022, nhưng tăng khoảng 1-2% so với nửa đầu 2023.
Với kịch bản giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân 90 USD một thùng, Bộ Công Thương tính toán một lít xăng E5 RON 92 ở mức 21.325 đồng, RON 95 là 21.597 đồng và dầu diesel 18.115 đồng.
Còn nếu giá thành phẩm thế giới 98 USD một thùng, giá dầu diesel ở mức 19.415 đồng một lít; E5 RON 92 là 22.657 đồng một lít. Còn giá xăng RON 95 là 23.049 đồng, đắt hơn hiện tại gần 2.000 đồng một lít, và tương đương ngưỡng giá tháng 11/2022.
Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng Bộ Tài chính điều hành, sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá linh hoạt, hạn chế biến động mạnh của giá trong nước so với giá thế giới (khi giá thế giới tăng cao). Việc này góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế và khôi phục Quỹ bình ổn giá để có dư địa điều hành khi thị trường tiềm ẩn nhiều bất ổn, xu hướng giá tăng cao.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu 5 tháng đầu năm đạt gần 4,2 triệu tấn, trong đó gần 53% là dầu diesel (2,2 triệu tấn), 22% là xăng các loại, còn lại là dầu mazut. Bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập hơn 0,8 triệu tấn xăng dầu các loại.
Hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn sản xuất bình quân 1,1 triệu tấn xăng dầu các loại một tháng. Còn lượng tồn kho tại các đầu mối gần 1,6 triệu m3, tấn đến cuối tháng 5.
Từ 25/8, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - đơn vị chiếm trên 35% nguồn cung trong nước - sẽ bước vào thời gian bảo dưỡng tổng thể, dự kiến kéo dài tới cuối tháng 9, đầu tháng 10. Để tránh lặp lại tình trạng đứt gãy nguồn cung khi nhà máy này bảo dưỡng dài ngày, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên hôm 4/7 cho biết, sẽ đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối thực hiện đúng kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.
Bộ giao PVN giám sát các nhà máy lọc dầu, chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, chuẩn bị kịch bản (kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu) để hoạt động hết và vượt công suất. Các doanh nghiệp đầu mối tính toán sản lượng thiếu hụt từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn bảo dưỡng để có kế hoạch tạo nguồn cung cho hệ thống phân phối và thị trường.
Để các doanh nghiệp có đủ nguồn lực nhập, mua hàng, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu trong công thức giá cơ sở. Các nhà băng cũng được đề nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, ngoại tệ để họ đủ nguồn lực nhập khẩu, mua xăng dầu.
Bộ Công Thương cho biết, các nội dung khi sửa Nghị định 95/2022 sẽ tập trung vào công thức, phương thức, thời gian điều hành và công bố giá. Nghị định mới cũng sẽ đưa ra quy định về chiết khấu, đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống. Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ.
Ý kiến ()