Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 06/12/2024 08:23 (GMT +7)
Giữ nhịp tăng trưởng xuất khẩu dệt may
Thứ 6, 22/11/2024 | 11:11:04 [GMT +7] A A
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Đây là con số ấn tượng trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tổng cầu giảm mạnh, chi phí tăng cao đã ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả của doanh nghiệp.
Mặc dù hiện nay lượng đơn hàng tương đối dồi dào, nhưng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là về nguồn nhân lực, cũng như đơn giá được dự báo tiếp tục duy trì mức thấp, các doanh nghiệp cần có giải pháp “giữ chân” người lao động, tăng cường đầu tư nhằm nâng cao năng suất, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đẩy mạnh đầu tư, phát triển
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị trong năm nay ổn định, đạt mức tăng trưởng khá, với mức tăng từ 8% đến 10% so với năm 2023. Giá CM (chi phí cắt và may thành phẩm) 10 tháng qua đạt hơn 115 triệu USD, qua đó đưa tổng giá trị xuất khẩu của đơn vị đạt hơn 304 triệu USD, thu nhập của người lao động cũng tăng khoảng 8-10% so với năm 2023 với mức bình quân 10,5 triệu đồng/người/tháng. Lượng đơn hàng hiện nay tương đối dồi dào nhưng giá vẫn ở mức thấp, chưa thể quay về mức giá của thời điểm trước dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn.
Mặt khác, luồng dư luận cũng đang lo lắng khi nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ áp đặt mức thuế nhập khẩu có thể gây bất lợi đối với xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này. “Phần lớn các đối tác, khách hàng mới đặt hàng đến hết tháng 1/2025 và đang nghe ngóng tín hiệu thị trường cũng như chính sách áp thuế nhập khẩu dệt may của Mỹ mới có phương án đặt hàng tiếp”, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định. Để giữ nhịp tăng trưởng trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần có phương án phát triển, mở rộng thị trường mới như các nước thuộc khu vực Trung Đông, Nam Mỹ,… Đồng thời, tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị tự động, tăng cường chuyển đổi số, tiến tới xanh hóa dệt may, cắt giảm tối đa các khoản chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công Trần Như Tùng cho biết, doanh thu trong 10 tháng của đơn vị đạt hơn 134,2 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 85% kế hoạch năm. Lợi nhuận đạt hơn 10,3 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ và đạt 150% kế hoạch năm. Thời điểm hiện tại, công ty đã nhận hơn 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024 và tiếp nhận đơn hàng cho quý I/2025. Với tín hiệu tích cực của thị trường, nhất là vào mùa lễ hội, dịp mua sắm cuối năm tăng, đây sẽ là thời điểm “bứt tốc” để các đơn vị cán đích các mục tiêu đề ra.
Đánh giá về hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng dệt may trong thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang thông tin, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng qua đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so với cùng kỳ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,38 tỷ USD, tăng 10,54%; xơ sợi đạt 3,66 tỷ USD, tăng 0,47%; vải đạt 2,22 tỷ USD, tăng 11,12%,...; tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 20,61 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục được cải thiện thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm. Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada,… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may. Ngoài ra, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm cũng đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may.
Chủ động trước biến động thị trường
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất 0,5% vào đầu tháng 9 khiến lạm phát của nước này cũng như của Liên minh châu Âu (EU) cũng có xu hướng giảm, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng tại hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam được cải thiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các yếu tố về thiên tai, bất ổn chính trị, bất cập về chính sách ở một số quốc gia cạnh tranh tiếp tục là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam đón đơn hàng dịch chuyển.
Tuy nhiên, ngoài các yếu tố thuận lợi, doanh nghiệp dệt may cũng đối mặt với nhiều thách thức khi Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia bị Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) kiểm tra trong việc thực thi đạo luật chống cưỡng bức UFLPA tại Mỹ. Tỷ giá Việt Nam đồng có xu hướng tăng so với USD, trong khi các quốc gia cạnh tranh tiếp tục phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cạnh tranh; dự báo sức tiêu dùng tại Nhật Bản và Trung Quốc suy giảm; các yếu tố về xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng gây ra sự bất ổn, ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu,…
Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng được cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Tuy nhiên, nhu cầu và đơn giá chỉ thật sự cải thiện từ năm 2025 trong kịch bản tốt. Do đó, doanh nghiệp cần thận trọng xây dựng các kịch bản phù hợp, trong đó cần lưu ý đến các yếu tố bất ổn, căng thẳng địa chính trị, tiềm ẩn những rủi ro với tâm lý của người tiêu dùng.
Chung quan điểm, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu khẳng định: Các doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều áp lực khi thị trường chưa có cải thiện. Với ngành may, áp lực về thời gian giao hàng, đơn giá chưa cải thiện, chất lượng sản phẩm yêu cầu khắt khe hơn. Với ngành sợi, mặc dù đã giảm lỗ 80-85% so với năm 2023, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với sự trồi sụt của giá bông và chưa có sự cải thiện về giá bán sợi,… Vì vậy, các đơn vị cần bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, có các giải pháp nhằm “giữ chân” người lao động, tăng cường chuyển đổi số, đầu tư máy móc, thiết bị tự động hóa cũng như chủ động sẵn nguồn lực nhằm tận dụng tốt các cơ hội mang lại.
Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang khẳng định: Mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu…, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26%; kim ngạch nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Đạt được kết quả nêu trên thể hiện sự nỗ lực vượt khó của các đơn vị cũng như nỗ lực của Vitas trong các hoạt động vận động chính sách, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế có chiều sâu, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tượng khách hàng, mặt hàng.
Với lợi thế 17/19 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã có hiệu lực, các doanh nghiệp dệt may sẽ có cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, để duy trì ổn định cũng như đẩy mạnh sản xuất, ngành dệt may cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa thị trường, đối tác khách hàng và sản phẩm có giá trị gia tăng cao; không ngừng tiếp thu, đổi mới công nghệ tự động hóa, quản trị số, chủ động thích ứng trước các yêu cầu, đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh bền vững từ nhiều thị trường xuất khẩu, phấn đấu cán đích kim ngạch xuất khẩu đạt 47-48 tỷ USD trong năm 2025.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()