Công đoàn dự kiến trích 145 tỷ đồng từ quỹ tài chính hỗ trợ lao động mất việc, tạm hoãn hợp đồng mức 1-3 triệu đồng, kéo dài tới cuối năm 2023.
Ngày 14/8, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết đã có tờ trình và chờ Đoàn Chủ tịch thông qua. Đây là gói hỗ trợ nối tiếp Quyết định 06 hồi tháng 1/2023 dành cho lao động mất việc, bị cắt giảm việc làm trong các doanh nghiệp, hợp tác xã có đóng kinh phí công đoàn.
Gói hỗ trợ đưa ra trong bối cảnh hàng trăm nghìn lao động bị cắt giảm việc làm dịp giáp Tết Quý Mão. Sau nửa năm, hơn 81.600 lao động nhận hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 114,5 tỷ đồng.
"Công đoàn dự báo tình hình sụt giảm đơn hàng kéo dài hết quý I/2023, giữa năm sản xuất sẽ bình thường trở lại. Song tình hình thực tế khác xa dự báo, sản xuất ảm đạm có thể kéo dài tới đầu năm 2024 nên tiếp tục hỗ trợ là cần thiết", ông nói.
Với kinh phí dự kiến 145 tỷ đồng, người thụ hưởng, mức hỗ trợ, thủ tục vẫn như cũ. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/4/2023 đến 31/12/2023, tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến ngày 31/1/2024.
Cụ thể, lao động bị giảm giờ làm việc hàng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng; ngừng việc từ 14 ngày trở lên mà có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng ghi trong hợp đồng thì được hưởng một triệu đồng.
Người tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương từ 30 ngày trở lên (trừ lý do cá nhân) nhận 2 triệu đồng.
Mức hỗ trợ 3 triệu đồng dành cho lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chính sách không áp dụng cho người đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, bị kỷ luật sa thải, thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Từ đầu năm khi triển khai hỗ trợ, công đoàn cơ sở phản ánh lao động khó tiếp cận vì không thể đáp ứng điều kiện thu nhập tháng mất việc thấp hơn lương tối thiểu vùng hoặc đã nhận trợ cấp thất nghiệp. Ông Phan Văn Anh cho rằng mức 1-3 triệu đồng là khoản bù đắp cho lao động lúc suy giảm việc làm. Nguồn lực tài chính công đoàn có hạn nên khó giải quyết dứt điểm, cần thêm các gói hỗ trợ hoặc chính sách an sinh từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Về việc Chính phủ giao nghiên cứu giảm đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%, ông Phan Anh cho biết Tổng liên đoàn đang bàn thảo và sẽ sớm có văn bản trả lời. Song giảm kinh phí công đoàn sẽ ảnh hưởng hoạt động chăm lo người lao động của cấp cơ sở.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp giữ lại kinh phí công đoàn tại cơ sở, không nộp lên cấp trên đến hết năm 2024, ông lý giải theo quy định khoản kinh phí này trích giữ 75% ở cấp cơ sở, chỉ 25% chuyển các cấp công đoàn phía trên để cân đối thu chi các hoạt động trên cả nước. Song công đoàn sẽ tính toán, có thể phân loại từng nhóm doanh nghiệp ở các lĩnh vực bị cắt giảm nhiều đơn hàng để có phương án hỗ trợ cụ thể.
Công đoàn thống kê 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới lẫn quay trở lại giảm, số ngừng hoạt động tăng lên so với cùng kỳ. Hơn 500.000 lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm. Xu hướng lao động bị mất việc tăng mạnh so với hồi cuối năm 2022. Riêng 4 tháng đầu năm, tỷ lệ người bị chấm dứt hợp đồng cao gấp ba lần so với quý IV/2022.
Người mất việc vẫn tập trung ở phía Nam như TP HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Hậu Giang. 75% trong số đó thuộc doanh nghiệp FDI; khoảng 8% là lao động nữ trên 35 tuổi, 5% đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Công đoàn dự báo tình trạng thiếu, mất việc làm tiếp tục diễn ra cục bộ ở ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ. Doanh nghiệp sản xuất cho nhãn hàng thị trường Mỹ, châu Âu tiếp tục có kế hoạch giảm lao động, trong đó nhiều người lao động có thâm niên, lớn tuổi.
Ý kiến ()