Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:26 (GMT +7)
Du lịch bắt nhịp chuyển đổi số
Thứ 7, 01/01/2022 | 13:59:40 [GMT +7] A A
Đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức lớn chưa từng có với các điểm đến và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tại Quảng Ninh, đồng thời cũng tạo ra thời cơ để ngành du lịch chuyển mình, trở nên thông minh và linh hoạt hơn thông qua chuyển đổi số.
Trong khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó đoán định, các doanh nghiệp và địa phương của Quảng Ninh đã có nhiều cách làm mới, bắt nhịp xu hướng chung để duy trì nhận diện thương hiệu của điểm đến, tăng cường xây dựng mối liên hệ với du khách.
Trong khuôn khổ Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2021 diễn ra từ 4-25/12, Quảng Ninh tham gia 1 gian hàng “ảo” tại chương trình Hội chợ du lịch trực tuyến. Tại đây, Quảng Ninh đã giới thiệu các sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch golf; tour bay ngắm cảnh Vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ và trực thăng; sản phẩm du lịch Hội nghị 5K hay nghỉ dưỡng đón năm mới...
Gian hàng ảo cung cấp những thông tin, hình ảnh trực quan, hấp dẫn về các điểm đến của du lịch Quảng Ninh tới đông đảo người dân và du khách bằng ứng dụng công nghệ 2D và 3D. Ngoài ra, khi du khách ghé thăm gian hàng ảo, họ cũng có thể tương tác trực tiếp với nhân viên chuyên trách của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Ninh (TTXTDL) để nhận được hỗ trợ.
Là một trong những doanh nghiệp có sản phẩm trưng bày tại gian hàng ảo, khách sạn 4 sao Song Lộc Luxury đã chuẩn bị kỹ lưỡng các tư liệu, tài nguyên du lịch. Bà Lê Thị Hoa, Trưởng phòng Kinh doanh khách sạn Song Lộc cho hay, nắm bắt nhu cầu của du khách trong thời điểm hiện nay là những điểm đến khép kín, các chương trình trọn gói ăn, ngủ nghỉ và hội họp nên khách sạn giới thiệu các gói combo nửa ngày hoặc một ngày, chương trình gala dinner với mức giá hấp dẫn nhằm thu hút khách vào dịp cuối năm.
Chia sẻ về việc tham gia Hội chợ du lịch trực tuyến, ông Phạm Văn Tiện, Phó Giám đốc Công ty Hongaitours chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Nhiều năm làm du lịch, đây là lần đầu tiên tôi tham gia vào một chương trình xúc tiến trực tuyến. Tôi cho đây là cách làm phù hợp để kết nối với các đối tác tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong giai đoạn dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Mới đây, Phòng VH-TT huyện Cô Tô đã tổ chức buổi livestream quảng bá giới thiệu du lịch đảo Cô Tô trên nền tảng phát sóng trực tuyến đa nền tảng (OBS) và Fanpage Du lịch Cô Tô - Quảng Ninh. Xuyên suốt chương trình livestream có độ dài hơn 100 phút, du khách được hướng dẫn viên du lịch địa phương đưa tới những địa chỉ du lịch nổi tiếng như: Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, bãi biển Hồng Vàn, Vàn Chảy, bãi đá Móng Rồng, rừng chõi nguyên sinh... cùng “hướng dẫn viên du lịch online” trải nghiệm các dịch vụ du lịch và ẩm thực độc đáo của Cô Tô.
Đánh giá về sức lan tỏa của buổi livestream, ông Nguyễn Hải Linh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cô Tô, khẳng định: Giới thiệu điểm đến online là rất tiềm năng, tuy nhiên cần phải giải quyết những vấn đề về kỹ thuật và truyền thông thì mới nắm bắt được cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra.
Sau buổi livestream giới thiệu điểm đến du lịch mang tính thử nghiệm này, Phòng VH-TT huyện Cô Tô sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tương tự, với tần suất dày hơn. Đặc biệt là trước mùa du lịch hè năm 2022, Phòng VH-TT huyện sẽ kêu gọi sự tham gia của các đơn vị lữ hành và doanh nghiệp để phát triển, xây dựng nội dung quảng bá, đồng thời chào bán các gói tour, sản phẩm du lịch trực tiếp trên livestream.
Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá du lịch trên nền tảng số cũng là nội dung được huyện Cô Tô đặc biệt quan tâm và được xác định rõ trong Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện năm 2022 với chủ đề: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả dịch bệnh Covid-19; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ; thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số” .
Du lịch trong thời đại 4.0, du khách có xu hướng tự khám phá, trải nghiệm; chủ động tìm kiếm thông tin, tự lên lịch trình, đặt phòng nghỉ, nhà hàng... thì những ứng dụng hỗ trợ cung cấp thông tin du lịch là vô cùng cần thiết. Nắm bắt xu hướng du lịch này, Công ty Truyền thông Adver có trụ sở tại TP Hạ Long đã xây dựng phần mềm hỗ trợ thông tin du lịch có tên tripmap.
Ông Nguyễn Thành Trung, CEO Công ty Adver, Nhà sáng lập ứng dụng tripmap cho biết, hiện Công ty đang tập trung phát triển nội dung cho du lịch Hạ Long, Quảng Ninh vì đây là một điểm đến hàng đầu của Việt Nam. Riêng tại khu vực Hạ Long, tripmap đã xây dựng được mạng lưới với 20 “thổ địa” ở các mảng như nhà hàng, khách sạn, điểm đến... "Thổ địa" là những người dân địa phương, có kiến thức và am hiểu về địa bàn. Họ sẽ là người cung cấp thông tin chính xác, thường xuyên cập nhật lên hệ thống để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cho điểm đến.
"Thổ địa" là điểm khác biệt của tripmap so với các ứng dụng du lịch khác. Bằng cách ấn chọn “Hỏi thổ địa” trên ứng dụng, du khách sẽ được kết nối ngay với người dân địa phương tại điểm đến để được cung cấp những thông tin du lịch hữu ích.
Thừa nhận đại dịch Covid-19 gây ra khá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển cộng đồng người dùng, song tripmap vẫn rất lạc quan trước triển vọng của du lịch thông minh. Ông Nguyễn Thành Trung đánh giá tiềm năng của du lịch thông minh là rất lớn. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, một hệ thống thông tin đầy đủ và đáng tin cậy không khó để thu hút, gia tăng số lượng người dùng.
Trong số các điểm đến tại Quảng Ninh đang bắt nhịp tốt với chuyển đổi số phải kể đến Bảo tàng Quảng Ninh. Đây là bảo tàng cấp I trong hệ thống bảo tàng của Việt Nam. Ngoài hệ thống hiện vật, Bảo tàng Quảng Ninh còn được chú trọng đầu tư ứng dụng KHCN vào phục vụ công tác trưng bày với trên 50 màn hình ti vi, màn hình Led và màn hình cảm ứng tra cứu thông tin các loại cùng một trung tâm điều khiển âm thanh, ánh sáng, trình chiếu với khoảng 1.000 thiết bị.
Ngoài ra, Bảo tàng Quảng Ninh cũng là bảo tàng tiên phong trong cả nước xây dựng bảo tàng ảo. Đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, bảo tàng ảo của Bảo tàng Quảng Ninh sử dụng công nghệ 3D để khiến không gian trưng bày hấp dẫn như không gian thực. Với bảo tàng ảo, du khách có thể tham quan từ xa mà không phải đến tận nơi.
Vì ưu điểm này, Bảo tàng Quảng Ninh vẫn duy trì được mối quan hệ và sự hiện diện với du khách ngay cả khi phải đóng cửa do dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Trưởng Phòng Kỹ thuật - Thiết bị, Bảo tàng Quảng Ninh thì giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều lần bảo tàng phải đóng cửa, du khách không thể tham quan trực tiếp tại bảo tàng song lượt truy cập bảo tàng ảo vẫn tăng, đạt hàng triệu lượt.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng từ trải nghiệm chân thực, phong phú đến cam kết tính minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện mà còn mang lại nhiều lợi ích trong quá trình phục hồi cũng như định hướng phát triển ngành du lịch. Vì vậy, việc đầu tư cho chuyển đổi số sẽ giúp du lịch của Quảng Ninh bắt kịp với sự phát triển của các trung tâm du lịch trong nước và khu vực.
Bài: Đào Linh - Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()