Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:11 (GMT +7)
Sẵn sàng cho tiến trình chuyển đổi số
Thứ 7, 04/12/2021 | 09:16:49 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh đang tích cực xây dựng, phổ cập các ứng dụng số, hướng tới xây dựng công dân số. Đây được coi nền tảng quan trọng để chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, toàn diện hơn tại tỉnh.
Từ tháng 8/2019, tỉnh Quảng Ninh chính thức đưa vào sử dụng ứng dụng Smart Quảng Ninh. Đây là một ứng dụng trên điện thoại thông minh và là một bộ phận trong hệ thống Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh. Ứng dụng được phổ biến trên tất cả các nền tảng hệ điều hành điện thoại thông minh, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động KT-XH, tạo ra môi trường, cuộc sống tốt đẹp, phục vụ người dân.
Smart Quảng Ninh là ứng dụng tiện ích, thông minh cho người dân Quảng Ninh, giúp kết nối giữa người dân và chính quyền một cách hiệu quả. Với Smart Quảng Ninh, người dùng dễ dàng nắm bắt được mọi thông tin về thành phố, như: Giao thông, y tế, địa điểm du lịch, các sự kiện đang diễn ra.
Đặc biệt, Smart Quảng Ninh còn thể hiện tính ưu việt thông qua hệ thống chatbot (hệ thống tự động tương tác với người dùng) và mục “Ý kiến người dân” để người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... thông qua hệ thống thu thập và xử lý dữ liệu của Trung tâm Điều hành thành phố thông minh.
Từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới Quảng Ninh, ứng dụng Smart Quảng Ninh nhanh chóng được tích hợp thêm mục "Phòng chống dịch Covid-19", giúp người dân có thêm thông tin chính thống, đầy đủ, nhanh chóng nhất về tình hình dịch bệnh.
Chị Lê Minh Nguyệt, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long chia sẻ: Với ứng dụng Smart Quảng Ninh cài đặt trên điện thoại di động, ở bất cứ đâu, tôi cũng cập nhật được những thông tin mới nhất từ chính quyền. Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao tính tương tác giữa người dùng và đơn vị điều hành, quản lý. Những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân hầu như đều được các cấp chính quyền tiếp nhận và xử lý kịp thời...
Việc phát triển các ứng dụng trên điện thoại di động là một trong những xu thế tất yếu của tiến trình chuyển đổi số, giúp xây dựng được một cộng đồng công dân số, sử dụng hiệu quả những thành tựu của chuyển đổi số. Được biết, đến nay ứng dụng Smart Quảng Ninh đã ghi nhận hơn 50.000 lượt tải trên hệ điều hành Android và hơn 30.000 lượt tải trên hệ điều hành IOS. Đánh giá của người sử dụng về ứng dụng đạt trung bình 4,5 sao với trên 10.000 lượt.
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục phối hợp phát triển và hoàn thiện ứng dụng, hướng tới việc xây dựng thêm những ứng dụng số để phục vụ người dân, sẵn sàng cho tiến trình chuyển đổi số.
Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện và phổ cập đến người dân các ứng dụng số như Smart Quảng Ninh, việc tích cực đào tạo công dân số còn được thể hiện rõ những kết quả của hoạt động hành chính công của tỉnh. Đến nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp được 1.712/1.832 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trong đó có 1.387 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 75%).
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có gần 254.000 hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết bằng hình thức trực tuyến, đạt tỷ lệ gần 44%. Tỉnh cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến cao nhất toàn quốc.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân, trong đó, chú trọng đến các cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền tại khu dân cư để giúp đông đảo người dân hiểu được sự cần thiết và quan trọng của việc sử dụng các ứng dụng CNTT. Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính cũng được tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn đầy đủ, cụ thể tới từng người dân và doanh nghiệp về việc sử dụng các ứng dụng của nền tảng chính quyền điện tử của tỉnh.
Cùng với đó, tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi địa phương, sở, ngành của tỉnh cũng có những phương thức truyền thông hiệu quả để hỗ trợ công dân có thể khai thác hiệu quả các tiện ích, các hệ thống thông tin được cung cấp công khai trên nền tảng CNTT.
Theo chỉ đạo của tỉnh, các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đang gấp rút phối hợp hoàn thành việc phổ cập điện thoại thông minh, phủ sóng di động và cáp quang băng rộng, xác thực danh tính số và hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân.
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu trong năm 2022, 100% các hộ gia đình sẽ được sử dụng dịch vụ internet băng rộng và có địa chỉ số; 100% người dân có định danh số và hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám chữa bệnh; tất cả học sinh có hồ sơ, học bạ điện tử, số liên lạc điện tử; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 60%...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()