Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 18:22 (GMT +7)
Du lịch Cô Tô nói không với rác thải nhựa
Chủ nhật, 18/09/2022 | 14:15:24 [GMT +7] A A
Tích cực tuyên truyền, ra quân thực tế, quyết liệt ngay từ 1/9 tại bến cảng đưa khách ra Cô Tô... là cách làm thiết thực để vận động, tuyên truyền cho du khách, đưa chương trình "Cô Tô nói không với rác thải nhựa" đi vào cuộc sống. Trước đó, chính huyện đảo du lịch này đã quyết tâm vào cuộc xây dựng phong trào, thay đổi ý thức của người dân, các hộ kinh doanh du lịch trên đảo.
Đảo Cô Tô từ lâu đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách. Và trong hành trang du lịch thường không thể thiếu vật dụng bằng nhựa, túi ni lông sử dụng một lần. Thống kê sơ bộ, trung bình có khoảng hơn 2.000 khách du lịch/ngày đến tham quan nghỉ dưỡng tại Cô Tô. Cao điểm có ngày huyện đảo đón trên 5.000 khách, bằng dân số toàn huyện.
Thế nhưng câu chuyện này đã thay đổi từ ngày 1/9 vừa qua. Kể từ ngày 1/9/2022, khi du khách qua cảng Cái Rồng để lên tàu ra đảo Cô Tô đều được tuyên truyền, vận động để lại các sản phẩm nhựa dùng một lần không cần thiết. Các túi nhựa hoặc sản phẩm nhựa dùng một lần, nếu có thể thay thế, đều được đổi thành các loại túi dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Các đoàn viên thanh niên, nhà tàu, điểm soát vé... chính là những người tích cực trong vận động, tiến hành đổi, thay thế các loại túi, chai nhựa cho du khách. Cảng Cái Rồng là một trong 3 điểm đón khách ra Cô Tô thực hiện tốt điều này.
Ông Nguyễn Công Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện chia sẻ: Đây là cách làm thiết thực nhằm giảm tải cho môi trường, tạo một môi trường du lịch xanh, bền vững. Nỗ lực của chính quyền Cô Tô cùng sự hưởng ứng sâu rộng của doanh nghiệp du lịch, du khách, hy vọng sẽ giúp hiện thực hóa nỗ lực bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch xanh, đẹp cho người dân, du khách; góp phần phát triển du lịch xanh, bền vững.
Để có được thành quả này, trước đó, chính quyền huyện đảo Cô Tô đã có văn bản, động thái vận động, tuyên truyền tích cực tới người dân, các hộ kinh doanh du lịch trên đảo. Đặc biệt, chú trọng thông báo, tuyên truyền tới các hộ, công ty kinh doanh dịch vụ vận tải khách ra đảo Cô Tô. Các chủ tàu kinh doanh cũng đưa ra sáng kiến để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa.
Thay vì bán nước uống đóng chai, thì mỗi tàu chuẩn bị bình nước với cốc nước để phục vụ du khách. Thay đổi này rất được du khách đón nhận. "Như các đơn vị khác, Havaco rất ủng hộ, tuyên truyền cho khách chuẩn bị chu đáo từ khi du khách đặt vé; đồng thời cũng chuẩn bị túi sinh học để du khách dựng đồ. Đây là sự chuẩn bị chu đáo tiện nghi và góp phần bảo vệ vẻ đẹp, sức hấp dẫn của đảo ngọc Cô Tô”, ông Phạm Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Havaco chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày huyện Cô Tô phát sinh từ 10-12 tấn rác, trong đó có khá nhiều rác thải nhựa. Đây là áp lực rất lớn với địa phương vì năng lực xử lý rác thải còn hạn chế. Vì thế, những hoạt động thiết thực hạn chế rác thải nhựa trước tiên ở đầu vào là các bến cảng là cách làm hiệu quả, được du khách hưởng ứng. Qua hoạt động thực tế, cao điểm nghỉ lễ, mỗi ngày Cô Tô đón khoảng 2.500 lượt khách du lịch. Lượng rác thải nhựa thu về sau 2 ngày ra quân khoảng hơn 100kg. Và những chuyến tàu cập cảng Cô Tô từ đầu tháng 9 là những chuyến tàu khá đặc biệt khi mang tên: “Nói không với rác thải nhựa".
Không chỉ vậy, người dân, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội huyện đảo đã vào cuộc vận động người dân, cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn cùng vào cuộc. Dù chỉ hơn 1 tuần sau khi triển khai, người dân các xã Thanh Lân, Đồng Tiến, thị trấn Cô Tô và phần lớn các nhà hàng, khách sạn, các đơn vị dịch vụ du lịch cơ bản đồng thuận, ký cam kết thực hiện.
Trong tuần đầu triển khai chương trình, Cô Tô cũng đã lắp đặt trên 55 thùng rác công cộng tại các bãi tắm, chợ, điểm công cộng; lắp đặt 10 thùng rác 240 lít tại các bến tàu tránh xả rác xuống biển; đồng thời với tiến hành trang sắm thùng rác. Công ty Môi trường đô thị Cô Tô bắt đầu thu gom rác thải theo đề án phân loại rác thải tại nguồn từ 1/9...
Có thể nói, các hoạt động thiết thực trên đang góp phần giảm phát thải các loại rác thải nhựa dùng 1 lần, là một phần trong chiến lược phát triển du lịch bền vững của Cô Tô. Dự kiến, sau 6 tháng thí điểm, mô hình này sẽ được đưa vào áp dụng chính thức. Tuy nhiên, đây là hành trình khá gian nan. Về lâu dài, để tăng tính hiệu quả cần quan tâm, tính toán đồng bộ các giải pháp, khắc phục các vấn đề còn tồn tại như: Lượng hàng hóa vận chuyển vào huyện vẫn sử dụng túi ni lông truyền thống; tỷ lệ các hộ dân phân loại rác thải tại nguồn còn thấp, chất lượng phân loại chưa cao, đa số chưa trang bị thùng rác phù hợp; khu xử lý rác thải hoạt động kém hiệu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()