Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:56 (GMT +7)
Du lịch nông nghiệp - Đòn bẩy phát triển kinh tế bền vững
Thứ 5, 31/08/2023 | 13:47:11 [GMT +7] A A
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, du lịch nông nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo động lực xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao chất lượng đời sống cho người dân; từng bước đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.
Du lịch nông nghiệp đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương miền núi, hải đảo của tỉnh, trở thành nét đặc trưng riêng có thu hút khách du lịch. Với sự đầu tư của tỉnh về hạ tầng cơ sở, đường, điện, giao thông nông thôn đã thông thương thuận lợi giữa các vùng, tạo nên sự kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn..., góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.
Đến nay, 98/98 xã của Quảng Ninh đạt chuẩn NTM, trong đó có 48 xã đạt NTM nâng cao, 22 xã đạt NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 9/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM. Từ đây, đã và đang tạo sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ bộ mặt nông thôn hiện đại, khang trang, mở đường cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Huyện Bình Liêu là một trong những địa phương tiêu biểu trong huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm đòn bẩy phát triển KT-XH và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Ông Mặc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Việc đầu tư hạ tầng vào các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện được đẩy mạnh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án theo danh mục khuyến khích, như Dự án tôn tạo, tu bổ, phát huy giá trị di tích - danh lam thắng cảnh thác Khe Vằn; bản văn hóa người Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khu rừng sở (xã Đồng Tâm)... Toàn huyện hiện có 30 cơ sở lưu trú (3 khách sạn, 18 nhà nghỉ, 9 homestay), công suất phục vụ khoảng 1.200 người. Để nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, đáp ứng yêu cầu đón khách quốc tế trong thời gian tới, Bình Liêu đang phối hợp với doanh nghiệp nghiên cứu triển khai xây dựng khách sạn 4 sao trên địa bàn huyện và tích cực vận động, hỗ trợ các khách sạn đủ tiêu chuẩn thực hiện thủ tục xếp hạng sao nhằm khẳng định chất lượng phục vụ, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch địa phương.
Không chỉ Bình Liêu, nhiều địa phương trong tỉnh cũng phát huy thành quả từ xây dựng NTM để phát triển du lịch hiệu quả, như: Đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất và cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long); vườn hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu); vườn cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn)...
Để kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch, nhiều địa phương đã có ý tưởng tạo ra các mô hình du lịch hấp dẫn như du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, ngư dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa...
Với sự hình thành và phát triển của các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP vừa mang đậm tính truyền thống, vừa có sức cạnh tranh trên thị trường đang thực hiện tốt vai trò là sản phẩm phục vụ cho du lịch. Sau hơn 10 năm triển khai chương trình OCOP, Quảng Ninh đã có 565 sản phẩm OCOP, trong đó 193 sản phẩm đạt 3 sao, 68 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 5 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Tỉnh chú trọng phát triển các không gian du lịch, sản phẩm du lịch và xây dựng NTM, xây dựng các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hoá.
Tiêu biểu gần đây là tour trải nghiệm vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long). Du khách được tham quan những vườn ổi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng là sản phẩm OCOP 4 sao, được hái ổi thưởng thức ngay tại vườn và mua mang về. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng các điểm bán hàng, hệ thống phân phối sản phẩm OCOP; thiết lập giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương…
Ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn lực thực hiện dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, các địa phương, các chương trình, đề án và xã hội hóa. Trong đó nhấn mạnh, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM.
Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ và 6 giải pháp phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM theo Quyết định số 922/QĐ-TTg (ngày 2/8/2022) của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tập trung 8 nhóm giải pháp chính theo Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025".
Định hướng tổ chức các không gian phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ở các địa phương Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái; du lịch sinh thái khu vực Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long. Trong đó, chú trọng các giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển nguồn lực du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi trường du lịch.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()