Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:43 (GMT +7)
Du lịch quốc tế có thể phục hồi 60% so với năm 2019
Thứ 5, 30/03/2023 | 07:30:49 [GMT +7] A A
Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ phục hồi du lịch quốc tế thấp nhất Đông Nam Á. Điều này hoàn toàn trái ngược với kết quả tích cực đến từ du lịch nội địa.
Theo báo cáo “Triển vọng Du lịch Việt Nam 2023” của The Outbox Company, Việt Nam còn nằm trong nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ đứng cuối bảng xếp hạng phục hồi du lịch quốc tế với tỷ lệ phục hồi bằng 23% so với năm 2019. Xét riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ hồi phục chậm nhất trong số những quốc gia được khảo sát.
Do đó, công ty nghiên cứu thị trường du lịch này cho rằng việc thu hút khách ngoại quốc sẽ là một thách thức lớn với Việt Nam trong năm nay.
Các kịch bản phục hồi của ngành du lịch
Dựa trên các kịch bản phục hồi của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) trong năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu có thể đạt khoảng 80-95% so với mức trước đại dịch. Sự phục hồi sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay, ngay cả khi ngành du lịch phải đối mặt với những thách thức về kinh tế, y tế và địa chính trị.
Việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 gần đây ở Trung Quốc là một bước quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Trong ngắn hạn, điều này có thể mang lại lợi ích cho các điểm đến châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
The Outbox Company cho rằng Việt Nam có thể kỳ vọng tỷ lệ phục hồi du lịch quốc tế trong năm 2023 đạt 60-65% so với năm 2019 nếu cân nhắc các yếu tố tác động cũng như sự nỗ lực đồng bộ của các cơ quan quản lý điểm đến và doanh nghiệp.
Trong đó, ngoài Trung Quốc, thị trường du lịch quốc tế Việt Nam trong năm nay được kỳ vọng sẽ thu hút lại các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Anh, Australia... Bên cạnh đó, nhóm khách du lịch Ấn Độ cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng, có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Dù vậy, đơn vị này vẫn nhấn mạnh sự trở lại của du khách quốc tế sẽ rất chậm, có khả năng kéo dài đến hết năm 2024. Điều này xuất phát từ mức độ phục hồi nhu cầu du lịch tại các thị trường trọng điểm thấp và triển vọng không chắc chắn của du lịch thế giới trong năm 2023.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra 3 kịch bản đối với du lịch inbound trong ngắn hạn. Kịch bản khả dĩ nhất là lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt 40% so với năm 2019, tương đương 7,2 triệu lượt khách. Kết quả này được đưa ra dựa trên đà phục hồi của các thị trường nguồn quan trọng từ giữa và cuối năm 2022 đến nay.
Tuy nhiên, kịch bản tích cực nhất là lượng du lịch quốc tế đến Việt Nam có thể cán mốc 10 triệu lượt khách, tương đương 60% so với năm 2019. Con số này sẽ thành hiện thực nếu tốc độ phục hồi của các thị trường đạt mức tối ưu.
Trong khi đó, kịch bản ít lạc quan hơn cho thấy Việt Nam chỉ đón 6,3 triệu lượt khách quốc tế, tương đương 35% so với năm 2019. Điều này sẽ diễn ra trong bối cảnh những tác động kinh tế ngày càng phức tạp và cuộc đua thu hút du khách Trung Quốc trở nên khốc liệt hơn.
Tình cảnh trái chiều giữa du lịch nội địa và quốc tế
Nhìn lại năm 2022, The Outbox Company đánh giá du lịch nội địa lẫn quốc tế tại Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi lớn so với mức thấp kỷ lục của năm 2021. Trong đó, tổng lượt khách du lịch nội địa tăng tới 153,3% sau khi các biện pháp hạn chế đi lại bị gỡ bỏ.
Tuy nhiên, thị trường khách quốc tế không đạt được như kỳ vọng. Việt Nam chỉ đón được 3,66 triệu khách so với con số mục tiêu là 5 triệu.
Bên cạnh đó, báo cáo còn ghi nhận đặc tính tâm lý của du khách trong năm 2022 coi trọng quyền tự do đi lại và tận hưởng những trải nghiệm giải trí. Điều này vẫn không thay đổi trong năm nay, kể cả khi du khách sẽ cẩn trọng hơn về vấn đề tài chính.
"Ngành du lịch Việt Nam sẽ không xuất hiện xu hướng mới quá nổi bật trong năm nay. Thay vào đó, những thay đổi sẽ đến từ nhóm yếu tố điều chỉnh và nhóm yếu tố định hình", đơn vị dự báo.
Nhóm yếu tố điều chỉnh bao gồm chính sách visa, triển vọng nền kinh tế, các hạng mục đầu tư bất động sản du lịch và chi phí hàng không nội địa.
Về nhóm yếu tố định hình, du khách Việt sẽ vẫn ưu tiên việc chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, du khách cũng cân nhắc nhiều hơn giữa chi phí và giá trị thực nhận. Họ mong muốn bản sắc cá nhân được phản ánh qua hoạt động trải nghiệm và nhận thức rõ hơn về việc phát triển du lịch bền vững.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()