Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:09 (GMT +7)
Đưa các giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long phục vụ du lịch: Dễ hay khó?
Chủ nhật, 21/11/2021 | 13:10:09 [GMT +7] A A
Cùng với giá trị về cảnh quan và giá trị địa chất - địa mạo, di sản Vịnh Hạ Long còn được đánh giá có sự đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Tuy nhiên, để du khách có thể chiêm ngưỡng các giá trị này khi tham quan di sản không phải lúc nào cũng dễ dàng, thuận lợi...
Quý hiếm nhưng khó kiếm
Theo kết quả thống kê của các nhà khoa học, Vịnh Hạ Long có gần 3.000 loài động, thực vật sinh sống trong 10 kiểu hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới. Trong đó có 17 loài thực vật đặc hữu thuộc Vịnh Hạ Long, nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN.
|
Nếu nói về các loài động vật quý hiếm của Vịnh Hạ Long thì có lẽ phải kể đến loài thạch sùng mí Cát Bà, nằm trong Danh lục đỏ thế giới IUCN bậc nguy cấp.
Qua các đợt khảo sát, nghiên cứu gần đây cho thấy, thạch sùng mí có số lượng khá phong phú, phân bố chủ yếu trong các hang động, tùng áng của Vịnh Hạ Long. Chúng gây ấn tượng với đôi mắt to, bộ da có hoạ tiết độc đáo, được ví là “nữ hoàng thạch sùng mí mắt to”, tuy nhiên thực tế tương đối “khó kiếm”, vì chúng sống chủ yếu trong hang đá sâu trên các dãy núi đá vôi trên Vịnh, chỉ xuất hiện vào ban đêm để đi kiếm ăn. Vậy nên cơ hội để du khách chiêm ngưỡng khó khả thi…
Du khách hiện nay có thể tiếp cận gần nhất chính là loài khỉ vàng, sinh sống chủ yếu ở khu vực hang Luồn và Soi Sim trên Vịnh Hạ Long. Những đàn khỉ vàng thường xuyên di chuyển từ trên các đảo đá vôi xuống khu vực chân núi sát mép nước, tiếp nhận thức ăn từ khách du lịch, khá sinh động và gần gũi với con người.
Bên cạnh đó, các rạn san hô cũng là một trong những tiềm năng cho du lịch lặn biển, nhất là thời gian gần đây, các rạn san hô dưới lòng Vịnh Hạ Long được đánh giá là có độ phục hồi cao, với nhiều rạn có độ phủ đạt tới 60-70%. Nhiều du khách rất yêu thích trải nghiệm lặn biển ngắm san hô và đây cũng là sản phẩm du lịch được một số địa phương khu vực phía Nam và nhiều quốc gia trên thế giới khai thác hiện nay.
Tuy nhiên, trên Vịnh Hạ Long hiện chưa khai thác sản phẩm du lịch này. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, phân tích: Hầu hết khu vực biển phía Bắc nước ta thì điều kiện lặn ngắm san hô rất hạn chế, do các điều kiện từ thuỷ hải văn đến độ đục của nước biển. Vì vậy, chúng tôi mới đang định hướng phát triển du lịch nghiên cứu đối với các rạn san hô, để có sự đối chứng về sự phong phú, độ phát triển, tính đa dạng của san hô khu vực phía Bắc với các tỉnh phía Nam...
Đây cũng là một hướng đi, nhưng dù gì cũng phải hết sức thận trọng vì các rạn san hô là những hệ sinh thái hết sức nhạy cảm. Việc tiếp cận tham quan các rạn san hô phải được tổ chức hết sức nghiêm ngặt và đảm bảo các điều kiện cần thiết, để các đối tượng nghiên cứu, học tập tại các rạn san hô không những không tác động mà còn có biện pháp chung tay bảo vệ các rạn san hô.
Điều ông Huỳnh nói đã được chúng tôi kiểm chứng phần nào trong thực tế, từ những chuyến đi lặn, quay san hô phục vụ cho hoạt động tác nghiệp. Mặc dù các rạn san hô ở cách xa bờ nhưng độ đục của vịnh vẫn cao, việc quan sát để ngắm san hô tương đối khó khăn. Đó là chưa kể tác động của thời tiết và yêu cầu an toàn kỹ thuật, các trang thiết bị rất khó kiếm, do việc lặn biển ngắm san hô không phổ biến ở khu vực phía Bắc.
Không chỉ động vật, các loài thực vật để đưa vào các tour, tuyến phục vụ du lịch cũng tương đối khó khăn. Bởi điều kiện địa hình mênh mông của Vịnh Hạ Long, các loài cây, hoa đẹp không dễ tạo điểm nhấn trong quan sát của du khách.
Đơn cử như loài lan hài đốm hay khổ cử đài tím có hoa đẹp, màu sắc bắt mắt nhưng phân bố lẻ tẻ, khó quan sát trên các vách núi đá của Hạ Long, chưa kể như lan hài còn hay mọc dưới các bụi trúc, bị khuất lấp.
Cây to, quả phồng đỏ dễ quan sát hơn cả phải kể đến bông mộc. Kể từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thu hạt, gieo ươm và nhân giống, trồng được 1.500 cây bông mộc con trên các đảo đá vôi và các điểm tham quan trên vịnh. Nhiều vách núi đá hiện có những cây bông mộc tự nhiên, vào mùa hoa, quả rất đẹp. Tuy nhiên, nếu không có những tour hướng dẫn, thưởng lãm riêng thì bông mộc cũng dễ bị lẫn vào vô vàn các loại thực vật trên Vịnh Hạ Long...
Tương tự như vậy, với cọ Hạ Long, thiên tuế Hạ Long là những loài thực vật đặc hữu khu vực Hạ Long, rất quý hiếm, tuy nhiên trong tự nhiên, chúng thường phân bố trên núi cao, khó quan sát. Trên dãy núi lớn phía trước cửa hang Sửng Sốt, tuế Hạ Long phân bố tới hơn 60 cây, nhưng nếu không có sự giới thiệu của hướng dẫn viên, du khách cũng dễ bỏ qua.
Cơ hội nào cho du khách?
Ông Đỗ Tiến Thành, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ - Nghiên cứu, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trao đổi với chúng tôi cho hay, điều kiện địa hình biển, đảo thực tế của Vịnh Hạ Long rất khó trong việc tiếp cận, bảo tồn, nhân giống các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Khả năng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện tự nhiên của một số loài rất kém, nếu như không có những điều kiện bảo tồn thích hợp thì nguy cơ biến mất cũng rất cao. Một số loài lại có giá trị làm cảnh, dễ bị lấy trộm, như thiên tuế Hạ Long…
Như vậy có thể thấy, việc nhân giống các loài động, thực vật đặc hữu để tạo thành sản phẩm du lịch là rất khó. Đó có lẽ cũng là lý do mà cho đến nay, các giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long vẫn dừng ở khâu khoanh vùng bảo tồn là chủ yếu.
Hiện rất hiếm, nếu không muốn nói là chưa có sản phẩm du lịch nào được xây dựng để khám phá riêng về các giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long. Các tour, tuyến du lịch được xây dựng hiện nay mới chủ yếu khai thác yếu tố cảnh quan của điểm đến, ngay cả ở những hồ, hang ngầm nước mặn hay các tùng, áng vốn được xem là mang giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long.
Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, công tác quản lý, bảo tồn nguyên trạng các giá trị, trong đó có giá trị về đa dạng sinh học được quan tâm, ưu tiên hàng đầu là cần thiết. Đây cũng là nền tảng để phát triển du lịch sinh thái bền vững trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, khai thác các giá trị đa dạng sinh học cho phát triển du lịch một cách hợp lý, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển thiết nghĩ là điều cần quan tâm hơn nữa.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, khẳng định: Lâu nay chúng ta mới đang tập trung vào việc phát huy các giá trị đa dạng sinh học là giá trị bổ sung cho giá trị địa chất, địa mạo và giá trị cảnh quan của Vịnh Hạ Long. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ phải đưa ra chiến lược quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị đa dạng sinh học ở tầm là một tiêu chí được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (Vịnh Hạ Long hiện đang trong quá trình xây dựng hồ sơ Di sản thế giới “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà”, trong đó có tiêu chí về đa dạng sinh học - PV). Điều này đặt ra bài toán bảo tồn để làm sao giữ vững được các hệ sinh thái tiêu biểu, đặc thù trên Vịnh Hạ Long nhưng cũng đòi hỏi phải phát huy được và đưa đến với công chúng, du khách những giá trị to lớn của di sản bởi giá trị đa dạng sinh học.
Vừa qua, tỉnh đã có Quyết định về việc đưa toàn bộ rừng núi đá vôi trên Vịnh Hạ Long vào rừng đặc dụng, và chúng tôi đang làm hồ sơ để đưa toàn bộ khu vực biển của Vịnh Hạ Long trở thành khu bảo tồn biển. Do đó, tất cả các giá trị về đa dạng sinh học, về núi đá vôi hay các giá trị trên mặt nước sẽ được bảo tồn nghiêm ngặt.
Trên cơ sở này, chúng tôi cũng sẽ lựa chọn các hệ sinh thái, các giống, loài và các điểm tham quan mà ít chịu tác động nhất của du lịch để đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Đó sẽ là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính chất đặc thù, đặc trưng về đa dạng sinh học trên Vịnh Hạ Long.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()