Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 21:44 (GMT +7)
Đưa dân ra đảo Trần - Ý Đảng hợp lòng dân
Chủ nhật, 22/09/2013 | 08:55:00 [GMT +7] A A
Trong buổi làm việc kiểm điểm công tác triển khai thực hiện dự án đưa dân ra đảo Trần (Cô Tô) sinh sống, ngày 16-9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc đã chỉ đạo: Trước Tết Nguyên đán năm 2014 sẽ đưa dân ra đảo Trần định cư…
Đây là một thông tin được nhiều người quan tâm. Bởi còn nhớ, chỉ cách đây vài, ba năm, khi báo chí đưa tin ở đảo Trần có một hộ dân duy nhất đang sinh sống, nhiều độc giả đã rất tò mò, thậm chí có người còn cho rằng việc vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh (hộ dân duy nhất này) quyết định chọn đảo Trần làm nơi định cư lâu dài là “chuyện lạ”, chuyện “không bình thường”… Điều này cũng dễ hiểu, bởi từ xưa đến nay, đảo Trần chỉ có bộ đội hay những người làm nghề gác đèn biển, do yêu cầu nhiệm vụ mà phải sống trên đảo; chưa bao giờ có ai dắt díu vợ chồng, con cái ra đây sinh cơ lập nghiệp cả. Trong khi đó, từ nhiều năm trước, việc đưa dân ra đảo Trần đã được Trung ương và tỉnh đặt ra như một mục tiêu trong công tác xây dựng Kinh tế - Xã hội và An ninh - Quốc phòng ở vùng biển đảo Đông Bắc Tổ quốc. Thậm chí, ngay khi Đề án di dân ra đảo Trần đã được xây dựng, không phải không có ý kiến e ngại, rằng liệu người dân có tình nguyện ra đảo sinh sống lâu dài hay không? v.v. và v.v.
Thế nhưng mọi chuyện lại khác, tháng 7-2012, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có quyết định phê duyệt Đề án, thì đến tháng 5-2013, đã có 220 hộ dân đăng ký tình nguyện ra định cư tại đảo Trần. Ban chỉ đạo triển khai Đề án đã phải cân nhắc, lựa chọn để chỉ “tuyển” 30 hộ dân cho đợt ra đảo đầu tiên. (Các hộ dân được lựa chọn là những cặp vợ chồng trẻ dưới 40 tuổi, làm ngư nghiệp và đang khai thác hải sản ở khu vực ngư trường xung quanh đảo…).
Vì sao chủ trương đưa dân ra đảo Trần định cư tưởng sẽ rất khó, hoá ra lại dễ? Đó là bởi có sự chuẩn bị chu đáo, từ điều kiện cơ sở hạ tầng đến cơ chế, chính sách đối với người dân v.v. Và đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động đã được tiến hành rất có hiệu quả, giúp người dân hiểu một cách đầy đủ, toàn diện về chủ trương này của Đảng và Nhà nước, thấy được sự thống nhất về lợi ích chung của tỉnh, của đất nước, với lợi ích riêng của gia đình mình… Từ đó mà tin tưởng, yên tâm khi quyết định chọn nơi đảo xa xôi này làm quê hương mới.
Theo Đề án của tỉnh, sau đợt này, trong những năm tới sẽ tiếp tục đưa dân ra đảo Trần và tiến tới xây dựng đảo Trần thành một đơn vị hành chính dân cư. Và vì thế, đây mới chỉ là bước khởi đầu, phía trước còn rất nhiều việc phải làm để người dân thực sự yên tâm gắn bó với đảo. Trong đó không chỉ chú ý tới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất (mặc dù điều này là hết sức quan trọng, không thể thiếu được), mà còn phải quan tâm đầu tư xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân trên đảo, làm sao để đảo thực sự là quê hương theo đúng nghĩa, với những nét bản sắc văn hoá của một vùng quê mới. Đây là công việc lâu dài, nhưng cũng như mọi làng quê mới khác, những người đầu tiên “mở đất” sống như thế nào có ý nghĩa rất lớn đến các thế hệ mai sau. Vậy nên đừng coi đó là “những chuyện xa vời”...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()