Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 17:09 (GMT +7)
Đưa di sản vào đời sống
Chủ nhật, 14/04/2024 | 08:00:00 [GMT +7] A A
Ngày nay, nhiều giá trị của di sản được quan tâm phát huy mạnh dạn với quan niệm "mang di sản ra khỏi bảo tàng", để phát huy giá trị trong cuộc sống, kiến tạo thêm những giá trị mới phục vụ du lịch.
Những nét chấm phá sáng tạo
Di sản là vốn quý được sáng tạo từ các thế hệ trước và được tôn trọng, gìn giữ, bảo tồn cẩn trọng. Và để di sản sống động trong thực tế, nhiều người cho rằng thay vì chỉ trưng bày, việc đưa di sản vào gần hơn với đời sống, gắn kết di sản với cộng đồng, với phát triển du lịch sẽ giúp di sản được đánh thức, phát huy sống động hơn.
Đó chính là câu chuyện về phát huy di sản văn hóa quý báu có trên 300 năm tuổi của cộng đồng người Dao Thanh Y ở Bằng Cả (TP Hạ Long) bằng cách duy trì và phát huy sống động trong các lễ hội, đưa vào sản phẩm du lịch phục vụ du khách quốc tế. Trong khi đó, nét đẹp phong tục trăm tuổi này hơn 15 năm về trước có nguy cơ mai một do ít được quan tâm, thiếu không gian tổ chức.
Đó là câu chuyện chúng tôi được tìm hiểu trong lần đi khảo sát tour du lịch phía Tây Bắc TP Hạ Long cách đây vài năm khi tới thăm cộng đồng người Dao Thanh Y nơi đây. Ông Đặng Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Cả, bày tỏ: Di sản văn hóa của cộng đồng đã được gìn giữ truyền đời. Chúng tôi xác định đưa di sản vào đời sống cộng đồng, phục vụ quyền lợi của cộng đồng là cách gìn giữ, phát huy tốt nhất.
Với định hướng đó, xã Bằng Cả chung tay cùng những người uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản, thầy mo... đặc biệt quan tâm trong việc bảo tồn, phát huy lễ hội; giảng dạy các nét văn hóa đặc sắc truyền đời được tìm tòi, khôi phục cho các thế hệ sau.
Với định hướng phát triển du lịch, xã vận động bà con khôi phục, giới thiệu nghề làm rượu bâu, trồng chè hoa vàng, dược liệu; khuyến khích 6 Nghệ nhân dân gian Việt Nam cùng 2 Nghệ nhân Ưu tú ở xã khôi phục nghề thêu, đan thổ cẩm; phổ biến các bài hát, tục hát đối...; đầu tư mở các lớp truyền nghề cho thế hệ sau. Cho tới nay, thế hệ trẻ đã thạo nghề thêu, đan, hát. Nghệ thuật thêu đan thổ cẩm, nấu rượu được gìn giữ, nâng thành nghề truyền thống. Vì thế, hiện lễ hội làng được xã tổ chức to và kéo dài tại Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y trên địa bàn đã là địa chỉ thu hút du khách, trong đó có những đoàn khách tàu biển quốc tế trong 2 năm gần đây.
Trên thực tế, có khá nhiều câu chuyện đánh thức di sản, đưa di sản vào cuộc sống, trở thành các sản phẩm du lịch... khi di sản được cộng đồng quan tâm phát huy. Một điển hình khác là việc khôi phục, phát huy giá trị văn hóa làng quê ở Đông Triều trở thành sản phẩm, điểm đến du lịch hấp dẫn du khách không thể không tới trên hành trình về với Hạ Long.
Chia sẻ câu chuyện, ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sen Á Đông (TP Hạ Long) kể: Không chỉ là làng quê điển hình vùng đồng bằng Bắc Bộ, xã Yên Đức (TX Đông Triều) có cảnh sắc yên bình bên dòng sông Kinh Thầy, có di tích lịch sử, môi trường sạch sẽ, người dân hiền hoà đúng “chất” làng quê Việt... Đó là những giá trị mà chúng tôi gắn bó, đóng góp xây dựng ở nơi đây cả chục năm nay .
Ấn tượng với tôi và nhiều du khách là những lần đưa khách tới tham quan được người dân nhiệt tình tiếp đón, mời vào nhà uống nước, trò chuyện, mời khách trải nghiệm đan chổi hoặc nuôi ong mật, mời uống mật ong pha nước ấm vào mỗi sớm với người dân địa phương... Ngoài vẻ đẹp đó, hòa vào sinh hoạt cộng đồng với nơi lưu trú là ngôi nhà truyền thống, ẩm thực bản địa, người làm du lịch còn cố gắng thiết kế nhiều hoạt động trải nghiệm dựa trên văn hóa truyền thống, như tát ao đánh cá, xay lúa xát gạo, xem múa rối nước, hái rau gặt lúa...
Giá trị di sản đó lại là "đòn bẩy" cho du lịch cộng đồng phát triển. Khi phát triển du lịch cộng đồng và lượng khách nước ngoài đã chiếm từ 80-90%, nhiều hãng lữ hành nước ngoài đã đặt hàng đưa các tour vào đó để ăn trưa, xem múa rối nước...
Ở góc độ khác, sáng tạo di sản của những người yêu vùng đất quê hương của những nghệ nhân cũng là một cách sáng tạo nâng giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch. Đó là việc sáng tạo, chế tác các sản phẩm than đá thành các sản phẩm trống đồng, các sản phẩm về cảnh quan di sản vịnh Hạ Long của những nghệ nhân than đá, trong đó có thể kể đến nghệ nhân Nguyễn Tiến Quyết, Nguyễn Thị Bình…Tương tự là nghệ nhân Nguyễn Anh Sáu (Nam Hòa, TX Quảng Yên) đã lan toả giá trị làng nghề hàng trăm tuổi với những sản phẩm thuyền nan nhỏ, ngư cụ dễ thương làm đồ lưu niệm. Hay đó là việc sáng tạo trong việc sử dụng thuyền nan của ngư dân, sau khi di dân lên bờ trở thành thuyền nan chèo chở khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long, các làng chài trên vịnh được phục dựng lại...
Không chỉ vậy, hiện còn vô số những hoạt động những sáng tạo đã phát huy giá trị di sản, đưa di sản tới đông đảo công chúng, du khách, thay vì để di sản trong phòng trưng bày, bất động "trong bảo tàng", trong danh hiệu được công nhận...
Để nhân lên những giá trị di sản
Từ thực tế có thể thấy, các hoạt động trên đều được phát huy, sáng tạo từ những giá trị độc đáo, nguyên gốc. Trong đó, hạt nhân của thành công đó chính là những người say mê với di sản. Thế nhưng, để có thêm nhiều giá trị di sản được sáng tạo, đưa vào cuộc sống cần khắc phục không ít khó khăn, cản trở.
Ông Đặng Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Cả, chia sẻ: Dù hội làng và nghề truyền thống truyền đời của xã đã có sức hút nhất định với du lịch, đặc biệt đã có 4 đoàn khách với hàng trăm khách du lịch tàu biển đã tới thăm làng, bản trong 2 năm gần đây, nhưng để có thành công ban đầu đó cũng không hề đơn giản.
Giá trị văn hóa bản địa người Dao Thanh Y, lễ hội đặc sắc đang được khôi phục. Du khách quốc tế rất thích tìm về. “Thế nhưng để nơi đây thực sự trở thành điểm du lịch phổ biến hút khách cần nhiều nỗ lực hơn nữa tạo không gian văn hóa đặc sắc, kết nối các điểm trải nghiệm thú vị hơn, trong đó có việc sưu tập thêm các làn điệu dân ca, phong tục cổ truyền… để tăng sức hút. Rộng hơn cần có sự quan tâm kết nối các tour, tuyến điểm, mở rộng hạ tầng giao thông... để thuận lợi cho việc đón khách" - ông Đặng Văn Mạnh chia sẻ thêm.
Ngay cả với những sản phẩm du lịch đã và đang được vận hành, tạo thương hiệu nhất định như du lịch làng quê Yên Đức mà Sen Á Đông đang khai thác, cũng có không ít khó khăn. "Không thể ngủ quên trên thành quả mà cần quan tâm tìm tòi, đổi mới, sáng tạo thêm nhiều giá trị đặc sắc. Bởi sáng tạo di sản là hết sức cần thiết, giúp việc sáng tạo thật sự làm "giàu" thêm giá trị di sản, đem lại giá trị kinh tế cho xã hội, cộng đồng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch" - ông Đoàn Văn Dũng chia sẻ.
Nhìn rộng ra, đối với các sản phẩm, các hoạt động sáng tạo từ giá trị di sản như các sản phẩm mỹ nghệ, đồ lưu niệm của các nghệ nhân than đá, đan thuyền..., dù đã có thương hiệu, thị trường nhất định, cũng đang khó khăn. Đó là việc đưa ra thị trường phục vụ du khách, thương mại hóa sản phẩm cho các doanh nghiệp du lịch cũng gặp không ít vấp váp.
Đơn cử như việc sản xuất và bán các sản phẩm điêu khắc than đá của gia đình nghệ nhân Quyết - Bình… gặp khó trước hết về nguồn gốc của nguyên liệu, xuất xứ của sản phẩm khi phải xuất hóa đơn, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Sản phẩm thuyền nan và xưởng sản xuất đẹp mắt của nghệ nhân Nguyễn Anh Sáu cũng thưa vắng khách khi tuyến du lịch làng quê ở Quảng Yên gặp khó về nguồn khách...
Có thể thấy, các hoạt động khơi dậy hay sáng tạo di sản trên đều được phát huy, sáng tạo từ những giá trị độc đáo, từ lao động của những người say mê sáng tạo, làm mới cùng di sản. Tuy nhiên, để phát huy giá trị thực sự, cần có sự quan tâm đầu tư chất lượng các sáng tạo đồng thời với sự quan tâm của các cơ quan chức năng để chúng thực sự trở thành các giá trị hữu ích trong cuộc sống.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()