Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:31 (GMT +7)
Đưa di sản văn hóa đến gần hơn với lớp trẻ
Chủ nhật, 17/03/2024 | 13:54:34 [GMT +7] A A
Những nội dung về văn hóa, lễ hội, lịch sử truyền thống của tỉnh Quảng Ninh sẽ được đưa vào biên soạn và triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông.
Nhìn lại những thành quả của năm 2023, có thể thấy rõ sự nỗ lực, cố gắng của ngành GD&ĐT Quảng Ninh khi hoàn thành biên soạn và thẩm định 12 cuốn tài liệu giáo dục địa phương của các cấp học từ tiểu học đến THPT, vượt tiến độ trước 3 năm theo lộ trình thẩm định và phê duyệt của Bộ GD&ĐT. 100% trường phổ thông trong toàn tỉnh đã triển khai nội dung giáo dục địa phương đúng hướng dẫn (lớp 1, 2, 3, 4 đối với cấp tiểu học; lớp 6, 7, 8 đối với cấp THCS; lớp 10, 11 đối với cấp THPT). Trước đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động biên soạn tài liệu, đưa những nội dung về văn hóa, lịch sử quê hương vào dạy học ngoại khóa. Đặc biệt, tại TX Đông Triều, việc giáo dục lịch sử địa phương trong trường học được ngành giáo dục Đông Triều tâm huyết xây dựng kế hoạch thực hiện từ nhiều năm nay.
Từ năm học 2008-2009, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT các địa phương biên soạn tài liệu và tổ chức giảng dạy lịch sử, văn hóa, địa lý, văn học địa phương ở cả 3 cấp học (từ tiểu học đến THPT). Tuy nhiên, đến nay bộ tài liệu giáo dục địa phương của Quảng Ninh có một số thông tin, số liệu đã dần lạc hậu nên được chỉnh lý bổ sung bằng 12 cuốn tài liệu giáo dục địa phương bộ mới.
Nhìn chung, tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ninh đang được xây dựng trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhằm mục đích trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý tỉnh Quảng Ninh. Đối với lĩnh vực văn hóa, lịch sử, bộ tài liệu sẽ được biên soạn về lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật truyền thống; truyền thống quê hương; phong tục, tập quán địa phương; xây dựng nếp sống văn minh. Về lịch sử, truyền thống sẽ biên soạn về danh nhân văn hóa, di tích lịch sử, bảo tàng, lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Tài liệu gồm 7 chủ đề, trong đó có những chủ đề tập trung vào di sản như: Cảnh đẹp nơi em sống, trò chơi dân gian của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, sản vật quê hương em...
Nhiều cấp bộ đoàn, hội đồng đội, phòng GD&ĐT và trường học tại các địa phương trong tỉnh cũng tập trung đưa di sản văn hoá đến gần hơn với tuổi trẻ. Như các trường phổ thông trên địa bàn huyện Ba Chẽ thường xuyên phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường tổ chức tiết học trải nghiệm thực tế các môn lịch sử, địa lý địa phương cho học sinh. Những chương trình này giúp học sinh được trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu, bổ sung thêm những kiến thức bổ ích về địa lý cũng như những giá trị lịch sử to lớn của Khu di tích lịch sử quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà, trải nghiệm về nghề thêu thổ cẩm truyền thống của dân tộc Dao, về các sản phẩm thủ công truyền thống của người Dao.
Điểm đặc biệt nữa là các em được thực hành vẽ sơ đồ tư duy thể hiện những hiểu biết của bản thân về khu di tích lịch sử, cùng hòa mình vào những trò chơi dân gian. Qua đó, giúp các em vừa duy trì giá trị truyền thống của dân tộc vừa được giải trí và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, rèn luyện sức khỏe để học tập hiệu quả.
Các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa nhằm cung cấp cho học sinh các kiến thức, thông tin về lịch sử, văn hóa, địa lí địa phương; tạo cơ hội cho các em được trải nghiệm, khám phá và phát triển các phẩm chất, năng lực; giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam, ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ý thức về cội nguồn và bản sắc dân tộc. Qua đó, góp phần quảng bá tới bạn bè, du khách gần xa về di tích lịch sử văn hoá, con người, quê hương đất nước.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()