Tất cả chuyên mục
![](https://baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo_footer_red.png)
Đưa hát Soóng cọ của người Sán Chỉ vào dạy ở trong trường phổ thông đang là cách làm của xã Đại Thành (huyện Tiên Yên). Việc này đã đạt 2 mục đích: Vừa tạo thêm hoạt động văn hoá tinh thần, vừa góp phần hiệu quả gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào Sán Chỉ.
![]() |
Học sinh Trường TH&THCS xã Đại Thành trong một buổi học hát Soóng cọ. |
Hiện nay, xã Đại Thành đã có 2 lớp học hát Soóng cọ được tổ chức. Một lớp diễn ra trong mùa hè 2016, do Đoàn Thanh niên trong xã đứng ra tổ chức, sau một thời gian, đã bế giảng. Lớp năng khiếu hè có 30 học viên trẻ tuổi đến giờ ai cũng biết hát. Lớp còn lại khai giảng tháng 10-2016, do Trường TH&THCS Đại Thành đăng cai. Lớp học này có 35 học viên là học sinh các lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở trong xã. Nội dung chương trình do CLB Hát Soóng cọ xã Đại Thành chịu trách nhiệm hướng dẫn. Có 2 giáo viên trực tiếp dạy hát, một người là giáo viên cắm bản là người Sán Chỉ, người còn lại là nghệ nhân có nhiều năm đi hát ở địa phương. UBND xã Đại Thành hỗ trợ kinh phí mua trang phục, đạo cụ, tập luyện và trả thù lao đứng lớp cho nghệ nhân.
Việc học hát Soóng cọ của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào CLB Hát Soóng cọ xã Đại Thành. CLB được thành lập từ năm 2011, trực tiếp do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách khối văn hoá - xã hội làm Chủ nhiệm. Đến nay, với 22 thành viên, CLB đã có công rất lớn trong việc bảo tồn hát Soóng cọ, gây dựng phong trào, phát triển các hạt nhân văn nghệ trẻ tuổi say mê ca hát. CLB Hát Soóng cọ xã Đại Thành đã thường xuyên đảm nhiệm các chương trình văn nghệ của xã, giao lưu với các xã kế cận và các chương trình hội thi, hội diễn của huyện Tiên Yên.
Nghệ nhân dân gian Nình A Voòng, thành viên của CLB, là người đã truyền dạy nhiều lớp hát Soóng cọ ở Đại Thành, cho biết: Tôi rất phấn khởi khi xã đứng ra tổ chức lớp học để tôi có cơ hội được truyền dạy hát Soóng cọ cho thế hệ trẻ. Đó là niềm hạnh phúc không chỉ của riêng tôi mà của bất kỳ nghệ nhân nào. Có những lớp học như thế này thì câu hát của chúng tôi không còn lo bị thất truyền nữa. Cũng theo nghệ nhân Nình A Voòng, đa phần học sinh Đại Thành đều hào hứng khi học hát. Một số em tập hát từ cha mẹ, ông bà dạy rồi thì nhanh hơn. Còn lại nhiều em chưa biết hát cũng rất hăng hái học theo.
Em Nình Móc Cặm, học sinh lớp 8, Trường TH&THCS Đại Thành, cho biết: Em vào CLB Hát Soóng cọ Đại Thành đã được nửa năm rồi. Em đã học được các bài hát Soóng cọ đơn giản. Em rất thích tham gia câu lạc bộ học hát, được hiểu hơn và yêu hơn văn hoá của dân tộc Sán Chỉ. Hy vọng, có thêm nhiều bạn học sinh cùng vào câu lạc bộ học hát cùng chúng em.
Cô giáo Kiều Thị Định, Hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Đại Thành, đánh giá: Nhìn chung, các em học sinh đã bước đầu hiểu được cái hay của hát Soóng cọ, thuộc được một số làn điệu cơ bản. Tuy nhiên, khách quan mà nói, các em hát Soóng cọ bằng tiếng Sán Chỉ của mình vẫn chưa thành thục bằng hát những bài hát thiếu nhi hiện đại bằng tiếng Kinh.
Ông Lê Xuân Khuyến, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, nhận xét: Hoạt động truyền dạy hát Soóng cọ ở xã trong thời gian qua đã có những thành công đáng khích lệ. Tuy nhiên, kết quả không chỉ dừng lại ở đó mà cần phát triển lên để bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Để làm được điều đó, theo ông Khuyến, phải tuyên truyền để thế hệ trẻ hiểu và yêu hơn văn hoá truyền thống của người Sán Chỉ, lồng ghép việc dạy hát dân ca vào các chương trình ngoại khoá, giáo dục lịch sử văn hoá địa phương, đưa vào các hoạt động lễ hội văn hoá dân tộc trên địa bàn, giao lưu hát Soóng cọ với những địa phương khác có người Sán Chỉ sinh sống.
Huỳnh Đăng
Ý kiến ()