Tất cả chuyên mục

Thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại virut, vi khuẩn phát triển và lây lan nhanh trong cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có hệ miễn dịch yếu. Vì thế, chủ động phòng ngừa dịch bệnh là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Trong vài tuần nay, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc cúm A vào điều trị nội trú, chủ yếu là trẻ nhỏ. Các bệnh nhi được đưa đến bệnh viện khi có những triệu chứng phổ biến như: Sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt, ho, chảy mũi…
Cúm A là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính lưu hành khi thời tiết thay đổi, gây ra bởi các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1 và A/H7N9. Thông thường, bệnh có diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục sau 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn biến nặng hơn, dễ biến chứng và gây tử vong. Người có bệnh lý nền với sức đề kháng kém thường dễ mắc bệnh, điển hình là trẻ nhỏ, người cao tuổi.
Biến chứng nặng nhất của cúm A là suy hô hấp với các triệu chứng như thở gấp, đờm lẫn máu, khó thở… dẫn đến viêm phổi, cơ thể thiếu ôxy dẫn đến tử vong. Theo các bác sĩ, triệu chứng của bệnh cúm A rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Việc chăm sóc tại nhà và thường xuyên theo dõi diễn biến bệnh để kịp thời phát hiện các dấu hiệu trở nặng, tránh những biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong. Và đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu trở nặng ở trẻ như sốt cao kéo dài, tức ngực, khó thở, mệt mỏi, lờ đờ…
Bác sĩ CKII Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết: Hiện đang bước vào cao điểm của dịch cúm A. Vì thế, các gia đình có trẻ nhỏ cần chủ động phòng chống bệnh. Người nhà nên chủ động đeo khẩu trang tại các nơi đông người, bổ sung các chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, chủ động phát hiện sớm bệnh cúm A để cách ly, phòng tránh bệnh lây lan. Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch bệnh đó là tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, để tạo cho trẻ có hệ miễn dịch tốt.
Thời gian qua, CDC Quảng Ninh đã tập trung nhiều nguồn lực để triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, CDC đã thực hiện cung ứng, điều phối vắc xin cho các đơn vị trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, chỉ đạo tuyến cho các đơn vị y tế, điểm tiêm chủng trên địa bàn; tham gia công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tiêm chủng, trong đó việc triển khai cập nhật thông tin tiêm chủng của các đối tượng lên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia được kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ...
Tại các trạm y tế xã, phường, kế hoạch tiêm chủng được lập ngay từ đầu tháng để dự trù vắc xin theo số lượng, đối tượng. Từ việc lập kế hoạch trên phần mềm, hệ thống sẽ tự động liệt kê danh sách các đối tượng đến độ tuổi tiêm hoặc những đối tượng còn thiếu mũi tiêm. Vì thế, cách thức quản lý này sẽ giúp trẻ được tiêm chủng đầy đủ, quản lý đúng thực tế.
Chị Vi Thị Thái, thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) chia sẻ: “Bé nhà tôi từ khi sinh ra đến nay được 9 tháng tuổi, tôi cho cháu đi tiêm tại Trạm Y tế thị trấn. Việc tiêm chủng bảo đảm cho sức khỏe của con tôi, giúp cháu phòng tránh được nhiều dịch bệnh nguy hiểm”.
Để cải thiện sức khỏe cho trẻ em, các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên đó là người chăm sóc trẻ cần trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng thực hành về chăm sóc, cải thiện dinh dưỡng cho trẻ. Một trong những biện pháp mà các bác sĩ đưa ra để nâng cao sức khỏe cho trẻ là trong vòng 1.000 ngày đầu đời (từ giai đoạn thai nghén đến lúc 2 tuổi) trẻ cần được bổ sung dưỡng chất, dinh dưỡng đầy đủ để phát triển toàn diện. Do đó, bà mẹ mang thai cần được quan tâm chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng, các vi chất và tiêm phòng đầy đủ để thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, khi trẻ sinh ra cần được bú mẹ sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và cho ăn dặm hợp lý, phối hợp tiếp tục cho bú đến trên 24 tháng. Bởi sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật…
Ý kiến ()