Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 03:28 (GMT +7)
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Chủ nhật, 09/09/2012 | 04:09:14 [GMT +7] A A
Ngày chủ nhật. Hai ông bạn thân cùng là hưu trí có dịp gặp nhau hàn huyên. Chưa vơi tuần trà, ông C. vốn là cán bộ ngành bảo tồn, bảo tàng hỏi bạn:
- Này, mấy hôm vừa rồi, ông có theo dõi chương trình thời sự của vê-tê-vê-một không?
- Có chuyện gì hả ông?
- Ti vi đưa tin ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có ngôi chùa Trăm Gian cổ kính gần ngàn năm tuổi. Chẳng hiểu làm sao, gác khánh, nhà tổ chỉ dột nát mấy chỗ, ấy vậy mà người ta tự phá đi, làm lại, không có ý kiến của cơ quan chức năng. Thành thử những cái gốc, cái hồn của di tích bị biến dạng. Dư luận cả nước quan tâm. Lẽ nào ông không biết?
- Không đợi bạn trả lời, ông C. kể tiếp: Tôi đã đi mua báo, lại nhờ thằng cháu lên mạng in-tơ-nét để tìm hiểu thêm. Lạ thật ông ạ. Trước khi làm, vị trụ trì chùa tập kết gỗ, mở cả xưởng mộc ở trong chùa, đến khi thi công nữa kéo dài mấy tháng trời. Thế mà cơ quan chức năng không biết. Đến khi báo chí nêu, lãnh đạo các ngành, từ cấp bộ đến UBND thành phố Hà Nội mới vội vàng vào cuộc. Lãnh đạo huyện, xã thừa nhận do thiếu quan tâm, nhưng thanh minh cũng tại cả sư thầy trụ trì chùa nhận thức yếu kém. Lãnh đạo Sở VH-TT&DL thì bảo đợi kết quả thanh tra xem lỗi do tập thể, cá nhân nào. Chỉ có người dân địa phương là bức xúc, lo lắng vì tinh hoa văn hóa của cha ông để lại giờ như thế…
- Nhưng tôi nghe nói Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo phải phục dựng lại các công trình ấy như cũ cơ mà?
- Thì đành vậy. Nhưng ông bảo làm sao mười phần trả lại mười được? - Ông C. thở dài. Ở Quảng Ninh mình cũng đã xảy ra những chuyện tương tự. Mấy năm trước, khi trùng tu chùa Long Tiên, lãnh đạo UBND thành phố Hạ Long cũng đã làm sai quy định, chưa báo cáo cấp trên, tự ý cho hạ giải hơn chục pho tượng. Hú hồn là những pho tượng ấy bằng bê tông cốt thép, trước đó được thẩm định không thể tôn tạo, lưu giữ được nữa. Còn ở chùa Nhuệ Hổ, xã Kim Sơn (Đông Triều), có mấy pho tượng đất sét thời Mạc rõ quý. Mưa gió, thời gian bị khuyết mấy chỗ, người ta chẳng cần hỏi chuyên gia, tự ý đắp bồi và đem sơn chống rỉ… sơn lên tượng. Giờ đến thăm chùa, nhìn tượng trông giông giống… Tây mà xót ông ạ!
- Tôi nghe nói hiện ta đang trùng tu đình Trà Cổ lớn lắm.
- Trùng tu, tôn tạo khi di tích xuống cấp là việc cần phải làm. Nhưng qua vụ chùa Trăm Gian, tôi cứ thấy lo lo là…
- Người ta trùng tu, tôn tạo có thiết kế, có thẩm định phê duyệt, có giám sát… ông lo gì.
- Đành thế nhưng mà tôi vẫn cứ lo. Nói dại, chỉ cần bỏ qua một khâu nào đó sai quy trình là không chỉ “một ly” mà đi cả “ngàn dặm” như chơi. Đình, chùa là tinh hoa văn hóa của cha ông để lại, kết tụ hàng trăm năm. Chẳng cứ đình Trà Cổ mà với bất cứ di tích nào cũng thế. Chỉ lơ là, tắc trách một tý thôi là có ngàn vàng cũng không chuộc lại được. Trùng tu, tôn tạo di tích, phải coi phòng ngừa làm đầu. Các cụ có câu “Mất bò mới lo làm chuồng” để răn, nhắc nhở đừng có để việc xảy ra rồi mới lo thì không kịp nữa. Cẩn trọng mãi mãi sẽ không bao giờ thừa đâu ông ạ!
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()