Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 23:39 (GMT +7)
Đừng để "Mất bò mới lo làm chuồng"
Thứ 7, 02/11/2013 | 05:26:51 [GMT +7] A A
Trong những ngày qua, bên cạnh các thông tin được cập nhật liên tục trên các tờ báo mạng về việc dò tìm xác của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trên sông Hồng, là khách hàng trong vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường, do bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phụ trách; là các thông tin về chỉ thị, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở y dược tư nhân, nhất là các trung tâm dịch vụ thẩm mỹ từ Bộ Y tế đến các địa phương...
Trước đó, dư luận cả nước đã bàng hoàng khi hay tin, chị Lê Thị Thanh Huyền, một khách hàng của thẩm mỹ viện Cát Tường (hoạt động tại địa bàn quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) đã bị tử vong trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng và nâng ngực, xảy ra vào ngày 19-10. Và điều khiến dư luận bức xúc hơn là sau khi phát hiện chị Huyền bị tử vong, bác sĩ Tường đã chỉ đạo các nhân viên xoá dấu vết và vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng để phi tang, đến nay vẫn chưa tìm được xác, mặc dù chi phí bỏ ra cho việc này đã lên tới hàng trăm triệu đồng.
Sau khi sự việc xảy ra, dư luận lại rộ lên tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về y đức trong ngành Y tế, về sự suy thoái nhân cách trong một bộ phận y, bác sĩ mà trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ việc có liên quan. Và cùng với đó là các câu hỏi về hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về y, dược của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Bởi lẽ, thực tế cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường mới chỉ có giấy phép kinh doanh mà chưa hề có giấy phép hành nghề, thế nhưng nó đã đi vào hoạt động khá lâu, với đội ngũ nhân viên lên tới hàng chục người... Và quả thật, sau khi tiến hành kiểm tra, soát xét theo chỉ đạo của cấp trên, các địa phương mới tá hoả ra rằng còn rất nhiều cơ sở vi phạm, không đủ điều kiện, cơ sở hoạt động, hành nghề. Và rằng công tác quản lý còn nhiều sơ hở, yếu kém, cần phải chấn chỉnh kịp thời. Từ đây có thể đưa ra giả thiết, nếu cơ sở Cát Tường có đủ các giấy phép, cơ sở để hành nghề thì chưa chắc chị Huyền đã phải chết một cách oan ức, thê thảm đến như vậy!
Những động thái về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y dược tư nhân, trung tâm thẩm mỹ của các cơ quan quản lý sau vụ án đau lòng này là rất cần thiết, để không còn ai phải chịu hậu quả tương tự. Nhưng dư luận vẫn cho rằng, sự vào cuộc như vậy là quá muộn. Điều này chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”...
Vì vậy, để không bao giờ xảy ra các trường hợp tương tự, không chỉ đối với riêng lĩnh vực y dược mà cả với nhiều lĩnh vực khác, thì trách nhiệm trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải được nâng lên ở mức cao nhất. Cụ thể là phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát; không vì bất cứ lý do gì mà buông lỏng hay cho qua những sai phạm của các cá nhân, cơ sở. Đặc biệt phải xử lý thật nghiêm minh các trường hợp sai phạm, không chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Như vậy mới có tác dụng răn đe, giáo dục chung và đưa các hoạt động vào nền nếp trong khuôn khổ của các quy định và pháp luật...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()