Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 19:39 (GMT +7)
Đừng để nhà văn hoá hoá nhà... hoang hoá
Chủ nhật, 25/08/2013 | 06:38:48 [GMT +7] A A
Một cộng tác viên ở Quảng Yên có lần đã tỏ ra khá bức xúc khi trao đổi với chúng tôi về việc xây dựng nhà văn hoá thôn…“-Với vùng nông thôn, nhà văn hoá đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Nhưng nếu nhà văn hoá mà cứ xây dựng “lấy được” thì không khéo lại trở thành nhà... hoang hoá!” - Anh nói.
Tìm hiểu thêm thì biết, ở xã anh có nhà văn hoá xây dựng từ 4 năm trước, rất to, rất hoành tráng, nhưng nay chỉ để… làm chỗ chăn trâu, bò! Lý do là bởi nhà văn hoá được xây quá xa khu dân cư, chưa có cổng vào (không rõ vì đang thi công thì hết vốn chăng?), lại không có người quản lý... nên mới ra nông nỗi ấy! Trong khi đó, như anh bạn cộng tác viên cho biết, nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở quê anh rất cao; nào là đội văn nghệ thôn tập hát, rồi các cụ phụ lão tập dưỡng sinh, trẻ em tập đá bóng v.v.. Tất cả đều phải tìm chỗ khác, như nhà dân, ngõ xóm, sân đình v.v.. Vậy mà nhà văn hoá xây rồi lại để hoang...
Thực tế không chỉ ở Quảng Yên, nơi mà anh bạn cộng tác viên của chúng tôi đang cư trú, mà ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng có tình trạng nhà văn hoá hoá nhà… hoang hoá. Lý do thì muôn hình vạn trạng, nhưng tựu trung lại là bởi khi xây dựng đã không tính đến điều kiện, nhu cầu thực tế của thôn, khu; chỉ cốt để “hoàn thành kế hoạch, mục tiêu”, xây rồi để đó, không có biện pháp quản lý một cách bài bản, cụ thể và thiết thực...
Chúng ta đều biết, từ năm 2010, UBND tỉnh đã có Quyết định quy định về việc xây dựng nhà văn hoá thôn (khu, làng, bản); theo đó, cùng với việc khuyến khích cơ sở huy động nguồn vốn đầu tư bằng cách đẩy mạnh xã hội hoá, tỉnh cũng đã phân bổ 102,8 tỷ đồng để hỗ trợ cho các địa phương xây dựng nhà văn hoá. Điều đó cho thấy đây là một thiết chế văn hoá quan trọng, không thể thiếu được trong việc xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, cái thiết chế ấy có phát huy tác dụng hay không thì lại phụ thuộc vào cách nhìn nhận, cách tổ chức quản lý hoạt động v.v.. của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền địa phương biết sử dụng nó như một công cụ hữu hiệu thì nó sẽ phát huy tác dụng to lớn; ngược lại, nếu chỉ xây dựng theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, xây dựng “cho oai”, thậm chí xây dựng chỉ để “lấy thành tích”... thì có nhà văn hoá cũng chẳng để làm gì! Bộ mặt làng quê nông thôn cũng chẳng vì có cái nhà văn hoá hoành tráng mà đẹp hơn lên nếu nó không thiết thực, không được sử dụng như một trung tâm sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, bổ ích...
Vậy nên để đánh giá kết quả thực hiện chủ trương xây dựng nhà văn hoá thôn (khu, làng, bản), không chỉ kiểm tra về số lượng, chất lượng thi công công trình, mà còn phải xem xét thực tế sử dụng của nhà văn hoá ở cơ sở như thế nào, có phát huy hiệu quả thực sự hay không… Bởi xét cho cùng, đó mới là điều quan trọng nhất!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()