Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 20:29 (GMT +7)
Dừng miễn thuế hàng nhập giá trị nhỏ: Sẽ bớt lo 'ship hàng quá chậm'
Thứ 5, 05/12/2024 | 10:39:21 [GMT +7] A A
Với việc dừng miễn thuế với những đơn hàng nhập có giá trị nhỏ, các doanh nghiệp logistics và cơ quan hải quan đều buộc phải tối ưu hóa quy trình nhằm giảm tải cho các khâu thủ tục, xử lý thông quan, đảm bảo nhanh gọn và không gây tắc nghẽn hệ thống.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đều khuyến cáo như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất bãi bỏ chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với đơn hàng nhập giá trị nhỏ, dưới 1 triệu đồng, qua sàn thương mại điện tử.
Dù khẳng định ngân sách sẽ tăng thu hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm nhưng không ít ý kiến bày tỏ lo ngại việc triển khai thu thuế sẽ gây ùn ứ, kéo dài thời gian giao hàng, tăng chi phí vận chuyển...
Phải giải quyết nút thắt thủ tục thông quan
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một doanh nghiệp vận chuyển hàng cho sàn Shopee, Lazada và TikokShop... cho hay một container hàng thương mại điện tử có thể chứa tới 15.000 đơn hàng nhỏ lẻ. Quy trình phân loại, kiểm tra và áp mã hải quan cho từng mặt hàng không chỉ làm tăng khối lượng công việc mà còn kéo dài thời gian thông quan từ vài giờ lên tới nhiều ngày.
Nếu hàng hóa không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc có sai sót trong khai báo, lô hàng sẽ bị giữ lại tại biên giới, gây ra sự chậm trễ trong giao nhận.
"Từ tháng 11-2024, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường quản lý, yêu cầu xử lý nghiêm các lô hàng từ các sàn thương mại điện tử không đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc khai sai giá trị. Những kiện hàng cố ý chia nhỏ để né thuế cũng nằm trong danh sách kiểm tra kỹ lưỡng", vị này cho biết.
Theo thống kê của Tổng công ty CP Bưu chính viễn thông VNPT tại thời điểm tháng 3-2023, mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, với tổng giá trị ước tính lên đến 45 - 63 triệu USD. Do được miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu, hàng giá rẻ nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước thời gian qua.
Với việc dừng miễn thuế với những đơn hàng này, thời gian tới các doanh nghiệp logistics buộc phải tối ưu hóa quy trình để thích nghi với khối lượng công việc lớn. Hệ thống hải quan cũng phải tối ưu hóa quy trình về phân luồng xanh (miễn kiểm tra), luồng vàng (kiểm tra hồ sơ) và luồng đỏ (kiểm tra chi tiết) nhằm giảm tải cho các khâu xử lý thông quan, đảm bảo quy trình nhanh gọn mà không làm tắc nghẽn hệ thống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hùng - trưởng Ban logistics cho thương mại điện tử của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - cho rằng việc phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc, để phân loại hàng hóa ngay từ điểm xuất phát nhằm giảm tải công việc tại các kho bãi và hải quan trong nước.
Theo đó các lô hàng cần được kiểm tra và khớp dữ liệu với tờ khai hải quan trước khi về Việt Nam. "Nếu tổ chức tốt, quy trình thông quan có thể được rút ngắn đáng kể, chỉ cần 3-4 tiếng để hàng hóa qua biên giới tới Hà Nội", ông Hùng nói và cho rằng việc cải thiện khả năng xử lý tại kho bãi và cơ quan hải quan sẽ là chìa khóa để hàng hóa lưu chuyển nhanh hơn.
Doanh nghiệp logistics đổi mới để thích nghi
Nhằm chuẩn bị cho việc thực thi chính sách mới, nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đã chủ động đầu tư vào công nghệ và mở rộng quy mô hoạt động. Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó tổng giám đốc Viettel Post, cho biết là một trong những lĩnh vực cạnh tranh lớn, chi phí chuyển phát ngày càng giảm. Chỉ trong ba năm trở lại đây, chi phí dịch vụ này giảm 40% dù các chi phí khác đều tăng.
Viettel Post cũng sắp ra mắt sàn thương mại điện tử bán sỉ xuyên biên giới đầu tiên tại Việt Nam là VIPO Mall. Với nền tảng này, toàn bộ quy trình từ đặt hàng, thanh toán đến vận chuyển đều được tích hợp, giúp rút ngắn thời gian giao hàng từ 3-7 ngày so với các dịch vụ thông thường. Không chỉ cho doanh nghiệp nhập khẩu, VIPO Mall còn hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tận dụng thế mạnh về logistics, Viettel Post cũng đã xây dựng Công viên logistics Lạng Sơn - một trung tâm hậu cần hiện đại rộng 144ha với công suất xử lý lên tới 561.000 xe tải mỗi năm. Theo SSI Research, dự án này dự kiến mang lại doanh thu 900 tỉ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành logistics Việt Nam.
Trong khi nhiều doanh nghiệp logistics tập trung vào thương mại điện tử xuyên biên giới, Sendo Farm tăng tốc ở thị trường nội địa với các sản phẩm nông sản và thực phẩm sạch. Ông Trần Hải Linh, CEO của Sendo Farm, cho biết đơn vị này đặt mục tiêu đạt 100 triệu USD doanh thu vào năm 2025. Để thực hiện điều này, đơn vị không ngừng mở rộng diện tích kho hàng, cải tiến công nghệ và hợp tác với các nhà cung ứng uy tín trên cả nước.
Với kho hàng 5.000m² tại TP.HCM, Sendo Farm có khả năng xử lý hơn 200 tấn hàng hóa/ngày, đáp ứng nhu cầu của hơn 30.000 khách hàng. Toàn bộ quy trình từ lưu trữ, sơ chế đến vận chuyển đều tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất.
"Chúng tôi cũng đang cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí tới hơn 50.000 điểm giao hàng tại Hà Nội và TP.HCM, đồng thời có kế hoạch mở rộng ra các tỉnh thành khác trong năm 2025", ông Linh cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, ứng dụng công nghệ trong logistics thương mại điện tử không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệu, tự động hóa và tích hợp nền tảng thương mại điện tử đã giúp nhiều doanh nghiệp logistics tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội. "Nếu không ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp logistics gần như không thể cạnh tranh trong cả thị trường nội địa lẫn quốc tế", ông Hùng khẳng định.
Cũng theo ông Hùng, việc cơ quan chức năng triển khai thu thuế VAT đối với thương mại điện tử không chỉ đặt ra thách thức lớn về thời gian và chi phí, mà còn tạo động lực để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững hơn.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()