Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 04:27 (GMT +7)
Đường dân sinh Đồng Rui xuống cấp trầm trọng sau thi công dự án
Thứ 2, 26/07/2021 | 08:24:14 [GMT +7] A A
Đầu năm 2020, công trình cải tạo nâng cấp đê Đồng Rui (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giúp cho người dân trong xã gỡ bỏ nỗi lo về mưa bão, xâm ngập mặn. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui dự án hoàn thành thì gần 2 năm nay, nhiều người dân trong xã rất bức xúc khi đơn vị thi công mượn đường dân sinh để thực hiện dự án đã không khắc phục hoàn trả lại tuyến đường theo đúng cam kết.
Tháng 10/2017, dự án cải tạo nâng cấp đê Đồng Rui được UBND tỉnh phê duyệt với tổng số vốn đầu tư 97,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, với mục tiêu hoàn thiện tuyến đê bảo vệ trước gió bão, sóng biển và ngăn mặn cho gần 230ha đất sản xuất nông nghiệp, trên 620ha đất nuôi trồng thủy sản và gần 800 hộ dân xã Đồng Rui. Chủ đầu tư được tỉnh giao thực hiện dự án là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, thời gian thực hiện 2018-2020. Dự án được khởi công tháng 12/2018, đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP Xây dựng Hải Nam và Công ty CP Đầu tư xây dựng Thịnh Phát.
Để thi công tuyến đường đê ở thôn Thượng, các nhà thầu phải vận chuyển vật liệu qua tuyến đường liên thôn của xã. Đây là tuyến đường do nhân dân tự đóng góp kinh phí đầu tư theo mục tiêu xây dựng đường nông thôn mới, nhằm đảm bảo xã Đồng Rui sẽ về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Tuyến đường dài 1,8km, rộng 3,5m, chịu được trọng tải 5 tấn và là con đường duy nhất để phục vụ cho việc đi lại, học tập của 400 học sinh Trường TH&THCS Đồng Rui.
Tuy nhiên, với tần suất và khối lượng vật liệu lớn được vận chuyển hàng ngày qua con đường này (đất đắp đê khoảng 220.000m3, đá hộc khoảng 13.000m3, dăm lót gần 4.500m3...) nên chỉ sau 3 tháng khởi công, phần lớn tuyến đường đã bị lún vỡ, rỗ mặt. Từ đó gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và các cháu học sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT. Nhất là vào những ngày mưa, mặt đường lồi lõm, đọng nước mưa và bùn đất tại những ổ gà, ổ voi.
Tháng 3/2019 UBND xã Đồng Rui đã gửi văn bản báo cáo Sở NN&PTNT và chủ đầu tư, đề nghị sớm hỗ trợ làm lại đường bê tông khi thi công xong dự án. Tháng 7/2019, sau khi làm việc với xã, Công ty CP Đầu tư xây dựng Thịnh Phát đã có biên bản cam kết sẽ sửa chữa đường thi công sau khi thi công xong dự án, nếu đường hư hỏng do xe đơn vị thi công gây ra và việc khắc phục hoàn trả sẽ được thực hiện trước ngày 30/3/2020. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị thi công hoàn trả lại tuyến đường như cam kết.
Với bản cam kết này, UBND xã Đồng Rui đã vận động, tuyên truyền người dân tạo điều kiện cho đơn vị thi công thực hiện dự án. Cuối tháng 4/2020 (sau 1 tháng so với thời hạn cam kết), UBND xã Đồng Rui qua kiểm tra thực địa và làm việc với cán bộ kỹ thuật của chủ đầu tư cho thấy, đường bê tông trên mặt đê hồ nước ngọt thôn Hạ và thôn Thượng bị hư hỏng nhiều chỗ và xuống cấp hoàn toàn, không đảm bảo cho việc đi lại của nhân dân và đi vào khu vực sản xuất của địa phương. Ước tính cần 650m3 bê tông để có thể hoàn trả lại tuyến đường bê tông cũ.
Trước tình trạng này, UBND huyện Tiên Yên cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu sớm hoàn trả lại phần mặt đường bê tông như đã cam kết với người dân.
Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục vẫn chưa được thực hiện, trong khi các tuyến đường bị cày nát thì ngày càng xuống cấp. Liên quan đến nội dung này, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XIV diễn ra vào ngày 16/7 vừa qua, đại biểu HĐND tỉnh cũng đã chất vấn, đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND tỉnh về trách nhiệm của chủ đầu tư.
Được biết, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp HĐND tỉnh, ngày 20/7, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT cùng với 2 đơn vị nhà thầu đã có mặt ở xã Đồng Rui để lên phương án và tiến hành cải tạo, khắc phục. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại tuyến đường vào Trường TH&THCS Đồng Rui cho thấy, đơn vị này chỉ tiến hành đổ đá và lu lại mặt đường.
Lý giải về điều này, ông Hoàng Xuân Hải (đại diện Công ty CP Xây dựng Hải Nam) cho biết: Nếu đổ bê tông thì chúng tôi sẽ mất kinh phí trên 2 tỷ đồng, đây là số tiền rất lớn nên trước mắt đơn vị sẽ khắc phục bằng phương án đổ đá và lu nèn để đảm bảo đi lại cho người dân.
Không đồng tình với quan điểm này, ông Lộc Văn Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, bức xúc cho biết: Năm 2021, xã đặt mục tiêu về đích nông thôn mới kiểu mẫu và tuyến đường bê tông liên thôn này là một trong những tiêu chí cứng. Việc nhà thầu tiến hành đổ đá thay vì đổ bê tông thì chỉ cần sau vài trận mưa lớn, các chỗ bị cày nát, vỡ lún sẽ lại “đâu vào đấy”. Trong khi đó, mùa mưa bão đang đến rất gần và việc người dân mong muốn hoàn trả lại mặt đường bê tông như cũ để không ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của họ là điều hoàn toàn chính đáng. Do đó, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc quyết liệt, đảm bảo người dân không phải tham gia giao thông trên con đường “đau khổ” và để Đồng Rui không "lỡ hẹn" với hành trình về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()