Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 06:21 (GMT +7)
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành, miễn phí vé 15 ngày đầu tiên
Thứ 7, 06/11/2021 | 10:45:43 [GMT +7] A A
Ngày 6/11, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước đã hoàn thành (tuyến Cát Linh - Hà Đông) chính thức vận hành thương mại, sau 10 năm khởi công.
Sáng 6/11, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội chính thức ký kết bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác.
Sau khi bàn giao về cho Hà Nội, đoàn tàu đã chạy miễn phí từ 9 sáng cùng ngày. Những ngày tiếp sau, tàu sẽ chạy từ 5 giờ 30 phút sáng và kết thúc lúc 22 giờ.
Để đảm bảo an toàn, trong 15 ngày đầu, Metro Hà Nội sẽ huy động toàn bộ nhân lực để hướng dẫn hành khách đi tàu.
Trả lời phỏng vấn báo Tin tức, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, đến nay, Metro Hà Nội đã cập nhật toàn bộ các khuyến cáo về vận hành của tư vấn và bổ sung 82 nhân sự khắc phục phòng ngừa rủi ro khi khai thác như cảnh giới an toàn tại ke ga. Tổng số người tham gia khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 733 nhân viên.
Tuyến đường sắt này có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, tổng cộng mỗi chuyến chở được 960 hành khách. Về tần suất, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có biểu đồ hoạt động giờ cao điểm 6 phút/chuyến, bình quân có 10 chuyến/giờ/hướng.
Theo ông Vũ Hồng Trường, trong giai đoạn đầu, sẽ vận hành theo phương án từ thấp đến cao, để đánh giá khai thác phù hợp với mức độ dịch vụ của người dân, tránh việc vận hành không có khách. Tuần đầu dự kiến 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 sẽ là 10 phút/chuyến, lượng khách đi đông sẽ điều chỉnh biểu đồ. 15 ngày đầu sẽ miễn phí, không thu tiền của hành khách đi tàu.
Giá vé được TP Hà Nội phê duyệt chính thức là 7.000 đ/lượt, theo chặng là 8.000đ-15.000đ/lượt. Giá vé ngày là 30.000đ/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000đ/người, có định danh là 100.000đ/người). Những đối tượng được miễn phí đi xe buýt sẽ được miễn phí đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Bắt đầu từ ngày 6/11, hành khách đầu tiên đi tàu thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay. Nếu xảy ra tình huống mất an toàn trong quá trình đi tàu, hành khách sẽ được chi trả bảo hiểm. Cũng như xe buýt, vé đường sắt đô thị được trợ giá, bảo hiểm với hành khách nằm trong giá vé và trường hợp xảy ra thiệt hại với hành khách thì sẽ được bảo hiểm chi trả, hành khách không phải bỏ thêm đồng nào ngoài tiền vé đã mua.
Tổng mức đầu tư được điều chỉnh của dự án theo phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải là hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.231 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Các nhà ga được bố trí nhiều tiện ích như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu; tin tức, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh...
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()