Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:01 (GMT +7)
Đứt gãy cung cầu, ngành dệt may khó đạt mục tiêu 39 tỷ USD
Thứ 5, 26/08/2021 | 09:23:04 [GMT +7] A A
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết năm 2021, tuy nhiên việc không thể tổ chức sản xuất với 100% công suất, cộng với tình trạng đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu đang khiến không ít doanh nghiệp đối diện với nguy cơ chậm giao hàng, phạt tiến độ. Nhiều khả năng, mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021 sẽ khó đạt được.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, để duy trì sản xuất, Tổng công ty Cổ phần Phong Phú đã thực hiện “3 tại chỗ”. Theo ông Dương Khuê, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Phong Phú, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện 5K, xét nghiệm định kỳ cho người lao động. Nguồn cung cấp thực phẩm cũng được kiểm soát gắt gao, chia khu lưu trú thành các tổ nhóm để bảo đảm tối đa an toàn không biến nhà máy thành ổ dịch. Sản xuất, ăn ở khép kín, công ty hiện như một pháo đài và để làm được điều này, doanh nghiệp đã bỏ ra lượng chi phí không hề nhỏ. Trong khi đó, năng lực sản xuất giảm do chỉ một lượng công nhân được huy động, doanh thu giảm, doanh nghiệp rất khó khăn.
Nếu như bức tranh của Phong Phú là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam khi đang chật vật với “3 tại chỗ” thì ở miền Bắc, các doanh nghiệp dệt may lại đang chịu áp lực lớn từ việc đứt gẫy nguồn cung ứng đầu vào. Do yêu cầu giãn cách, hiện nay, việc vận chuyển nguyên phụ liệu từ phía Nam ra là cực kỳ khó cho doanh nghiệp khi chi phí vận chuyển tăng quá cao, kiểm soát phương tiện đi lại giữa các địa phương không thống nhất…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay, việc áp dụng Chỉ thị 16 là áp dụng những yêu cầu nghiêm ngặt để đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến” mới được phép duy trì sản xuất. Tuy nhiên, qua thực tế một tháng vừa qua, số lượng các doanh nghiệp có khả năng áp dụng các biện pháp kể trên khá ít và số lượng doanh nghiệp phải dừng hoạt động khá đông. Bên cạnh đó, ngay cả các doanh nghiệp đang hoạt động cũng phải đối diện với nguy cơ ngừng sản xuất khi không ít doanh nghiệp nguyên phụ liệu phải đóng cửa, không còn nguồn cung.
“Doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu. Trong khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhu cầu hàng hóa rất lớn thì việc doanh nghiệp không tham gia được vào chuỗi cung ứng và không đáp ứng được đơn hàng là thiệt thòi, ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.
Đồng ý kiến, đồng thời khẳng định “3 tại chỗ” là phương pháp rất tốn kém, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho rằng, “3 tại chỗ” chỉ phù hợp với ngành sợi và dệt bởi lực lượng lao động không lớn, nhiều máy móc có thể bố trí diện tích ăn, nghỉ cho người lao động. Với ngành may, do lực lượng lao động lớn, ít doanh nghiệp có nhà tập thể để trưng dựng và bố trí cho 500-1.000 lao động sinh hoạt, chưa kể chi phí phát sinh rất lớn, việc kiểm soát người lao động khó khăn.
Theo VITAS, giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may, khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam. Hiện tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35%, do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ”.
Ông Giang cũng cho biết, những doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị đối tác hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động. Tại các doanh nghiệp còn hoạt động sản xuất gặp khó khăn do phải giảm 50%-60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng chống Covid-19, xét nghiệm, tiêm chủng cho người lao động.
Có thể lỡ hẹn mục tiêu 39 tỷ USD
Những khó khăn bủa vây doanh nghiệp khiến rất khó dự đoán về khả năng xuất khẩu của ngành dệt may trong những tháng còn lại của năm 2021. Lãnh đạo VITAS thì cho rằng, nếu hết tháng 8 dịch bệnh tại khu vực phía Nam được kiểm soát, doanh nghiệp trở lại sản xuất theo chỉ thị 15 thì xuất khẩu của ngành năm 2021 khả năng chỉ đạt 32-33 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu đưa ra từ đầu năm 39-39,5 tỷ USD.
Nguy cơ lớn hơn là hàng loạt nhà máy phải đóng cửa trong năm 2020 có khả năng không khôi phục lại được. Nhà máy đóng cửa sẽ khiến ta không còn khả năng giữ được khách hàng. Đây là vấn đề lớn, bởi không chỉ đơn giản là việc mất đi đơn hàng mà kéo theo đó cả vị trí trong chuỗi cung ứng và rất lâu, rất khó để tạo được chỗ đứng.
Về giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang cho rằng, khai thác nguồn vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng là vấn đề cấp bách. VITAS đã làm việc với Hiệp hội May Mặc và Giày dép Hoa Kỳ và nhiều nhãn hàng, đối tác quốc tế và các hiệp hội trong nước để có thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dành ưu tiên ủng hộ vaccine cho Việt Nam. Hiệp hội cũng đã liên kết với các hiệp hội ngành hàng khác để tìm kiếm nguồn cung vaccine hỗ trợ.
Về việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đây chỉ có thể là giải pháp tình thế trong thời gian ngắn hạn. Một số doanh nghiệp đã phát hiện có F0 phải đóng cửa và rất lúng túng trong cách xử lý. VITAS đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có hướng dẫn theo từng kịch bản cụ thể để các doanh nghiệp và địa phương cùng thống nhất phối hợp thực hiện.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()