Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:40 (GMT +7)
EU dọa kiện Đức về khí đốt
Chủ nhật, 14/04/2024 | 08:51:09 [GMT +7] A A
EU dọa kiện Đức nếu nước này không thay đổi thuế khí đốt gây chia rẽ.
Quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu nói với tờ Politico rằng, EU sẽ kiện Đức ra tòa trừ khi nước này sửa đổi luật khí đốt gây tranh cãi mà các nước láng giềng cho rằng đang làm tổn hại đến nỗ lực đa dạng hóa nguồn khí đốt khỏi Nga.
Năm 2022, Đức thông qua luật đánh thuế tất cả khí đốt rời khỏi đất nước để bù đắp thâm hụt ngân sách gần 10 tỉ euro. Tuy nhiên, các nước láng giềng của Đức cho rằng, luật này có thể vi phạm các quy định của EU về dự trữ khí đốt và làm suy yếu thị trường chung của khối - đẩy giá lên cao và khuyến khích họ mua năng lượng rẻ hơn của Nga.
Ủy ban Châu Âu chia sẻ những lo ngại đó và nói với Đức rằng, biện pháp này có thể không hợp pháp.
Quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu cho hay, có cơ sở để coi đây là hành vi vi phạm luật cạnh tranh và các quy tắc thị trường chung.
Quan chức này nói thêm: “Trừ khi Đức hành động để khắc phục vi phạm và loại bỏ hoặc giảm thuế đến mức không gây xáo trộn cho thị trường chung, nếu không sẽ không thể tránh gọi bị kiện trong vài tháng tới.
Theo luật của EU, Ủy ban châu Âu có thể tiến hành thủ tục pháp lý khi tin rằng một quốc gia vi phạm các quy định của EU. Quá trình này có thể dẫn đến các hình phạt tài chính, mặc dù thường phải mất vài tháng, thậm chí nhiều năm và bắt đầu với một số yêu cầu tuân thủ từ EU trước khi tòa án vào cuộc.
Mấu chốt của tranh chấp pháp lý là thị trường chung của EU cho phép hàng hóa tự do di chuyển trong toàn khối. Khái niệm này là cốt lõi đối với bản sắc và nền kinh tế của EU, cho phép các doanh nghiệp và các quốc gia dễ dàng cạnh tranh xuyên biên giới.
Vào thời điểm Đức áp dụng thuế, giá khí đốt bán buôn đã ở mức cao kỷ lục sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu để trừng phạt châu Âu vì hỗ trợ Ukraina. Việc mua nguồn cung ngắn hạn khiến Đức phải trả một khoản tiền khổng lồ, buộc Berlin phải áp dụng mức thuế mới.
Mức thuế mới đã đem về cho Đức khoảng 1 tỉ euro cho đến nay, nhưng gây ra sự phẫn nộ từ các nước EU khác, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực rộng hơn của EU nhằm giảm bớt sự phụ thuộc lâu dài vào khí đốt Nga.
Tháng trước, Áo, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech đã kêu gọi EU giải quyết vấn đề thuế, cho rằng nó “đặt ra những thách thức đáng kể cho thị trường khí đốt châu Âu, khả năng cạnh tranh kinh tế và sự thống nhất về quy định trong EU”.
Tuy nhiên, Berlin khẳng định đang chơi đúng luật.
Người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức nói với tờ Politico: Thuế dự trữ khí đốt không mang tính phân biệt đối xử và được tính ở mức như nhau đối với tất cả các quốc gia, đồng thời xác nhận chính phủ đang tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức với Ủy ban.
Người phát ngôn cho biết, nguồn dự trữ đầy đủ của Berlin “đã góp phần đáng kể vào việc ổn định giá cả và xoa dịu thị trường không chỉ ở Đức mà còn ở các nước châu Âu khác. Ngoài ra, giao dịch khí đốt của EU không bị hạn chế bởi thuế, vì vậy không thể biện minh rằng điều đó ảnh hưởng đến việc thoát phụ thuộc khí đốt Nga”.
Tuy nhiên, các chuyên gia không đồng tình. Aura Săbăduș - nhà phân tích thị trường khí đốt cấp cao tại công ty tình báo thị trường ICIS - cho biết, khoản thuế này đang “cản trở sự đa dạng hóa”, vì khiến chênh lệch giá khí đốt giữa các thị trường Tây và Đông Âu tăng đáng kể hàng năm và có tiềm năng tăng thêm.
Săbăduș nói: “Nếu Đức không dỡ bỏ thuế này thì các nước Trung và Đông Âu sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt Nga, miễn là nó vẫn rẻ hơn so với các mặt hàng nhập khẩu khác. Do đó, hành động pháp lý của EU “gửi thông điệp phù hợp” tới Đức - Săbăduș lập luận.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()