F0 không có triệu chứng duy trì chế độ ăn như người khỏe mạnh bình thường. Ăn đủ nhu cầu, đa dạng và phối hợp 15-20 loại thực phẩm, thay đổi thường xuyên món trong ngày. Khẩu phần ăn cần phối hợp tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...), chất béo động vật và thực vật.
Nên ăn chất béo nguồn gốc từ cá, các loại đậu đỗ, dầu thực vật, hạn chế chất béo từ thịt gia cầm như gà, vịt, thịt heo, thịt đỏ như bò, cừu... Ăn thực phẩm lành mạnh như hải sản, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt gia cầm, đậu tương và sản phẩm từ đậu tương...
Tăng cường rau xanh (300-400 g) và hoa quả (200-300 g) trong bữa ăn hàng ngày. Các vitamin A, C , D, E và chất khoáng như sắt, kẽm... từ rau xanh có tác dụng chống viêm, chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng và miễn dịch. Thêm các loại gia vị như hành, tỏi, sả, gừng... Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến, ăn chín, uống sôi.
F0 nên bổ sung từ 1,6 lít đến 2,4 lít nước mỗi ngày (tương đương 8-12 ly thủy tinh) do có thể ho, sốt, viêm phổi, dẫn đến cơ thể bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali... Bổ sung các loại nước như oresol, nước dừa, sinh tố hoa quả chanh, nước cam, nước bưởi ép, rau má... Không uống rượu, bia vì khó cho việc theo dõi diễn biến của bệnh; hạn chế nước ngọt, nước có gas.
F0 có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, mất khứu giác... thường mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon cần ăn nhiều bữa trong ngày, khoảng 5 bữa một ngày. Không ăn quá no có thể gây khó thở (dễ nhầm lẫn với diễn biến của bệnh).
Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng vì khó tiêu hóa. Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn ngon hơn. Bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa, khoảng hai cốc một ngày, đặc biệt là sữa năng lượng cao. Nếu ăn kém hoặc kém tiêu hóa, cần bổ sung thêm probiotic mỗi ngày hai lần, uống viên đa vitamin - khoáng chất cho người lớn, hay dạng siro/cốm đa vitamin - khoáng chất cho trẻ em, giúp người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn, ăn ngon hơn, cơ thể mau bình phục hơn.
F0 kèm theo bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân béo phì... cần tuân thủ phác đồ điều trị bệnh và chế độ ăn do bác sĩ dinh dưỡng tư vấn. Ví dụ người bệnh đái tháo đường thì lựa chọn thực phẩm theo chỉ số đường huyết. Người tăng huyết áp cần hạn chế sử dụng muối theo các mức độ khác nhau như chế độ ăn nhạt khoảng 1-2 g muối, chế độ ăn nhạt vừa khoảng 2-3 g muối một ngày, chế độ ăn nhạt hoàn toàn.
F0 có triệu chứng nặng, điều trị tại bệnh viện, chế độ dinh dưỡng hoàn toàn phụ thuộc mức độ lâm sàng. Trường hợp người bệnh còn tỉnh táo thì có thể chủ động ăn uống, F0 rối loạn ý thức sẽ ăn qua ống sonde dạ dày hoặc dinh dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, F0 cần tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với sức khỏe, với môi trường. Hoạt động thể lực như tập thở, đi bộ, chạy tại chỗ, phẩy tay, tập yoga...; thời gian khoảng 45-60 phút, mỗi ngày hai lần.
Ý kiến ()