Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 10:23 (GMT +7)
F0 nên uống nước thế nào thì hợp lý?
Thứ 6, 04/03/2022 | 09:00:45 [GMT +7] A A
Khi bị mắc COVID-19, điều quan trọng là bạn phải cung cấp đủ dinh dưỡng và lượng nước cần thiết để cơ thể khỏe mạnh.
Nếu bạn mắc COVID-19, bạn phải cung cấp đủ nước và ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng cũng như năng lượng cao.
Cơ thể của bạn mất rất nhiều nước trong khi chống lại nhiễm trùng, đặc biệt nếu bạn bị sốt hoặc nếu bạn bị tiêu chảy và nôn mửa. Chú ý đầu tiên là bạn phải duy trì lượng chất lỏng của mình nếu bạn nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, uống quá nhiều chất lỏng cũng có thể rất nguy hiểm, vì vậy, hãy lắng nghe lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng để giữ đủ nước nếu bạn bị COVID-19 hoặc bất kỳ bệnh nào khác.
1. Bạn cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Một nguyên tắc chung là một người khỏe mạnh cần uống khoảng 25 đến 30 ml chất lỏng cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày để giữ đủ nước. Vì vậy, một người nặng 60 kg sẽ cần uống tối thiểu 1,5 lít (6 cốc) chất lỏng, trong khi người nặng 80 kg sẽ cần uống 2 lít (8 cốc).
Cơ thể của bạn cũng mất nước trong một số trường hợp nhất định - chẳng hạn như đổ mồ hôi khi thời tiết nóng bức, do tập thể dục hoặc bị sốt, hoặc do tiêu chảy và nôn mửa,... Vì vậy trong những trường hợp này bạn cần uống nhiều hơn lượng nước khuyến cáo để tránh mất nước.
Khi bạn bị sốt (một triệu chứng chính liên quan đến COVID-19), bạn nên uống thêm 500 ml (2 cốc) chất lỏng mỗi ngày. Và nếu bạn bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, bạn cũng nên đảm bảo rằng bạn đang thay thế lượng nước đã mất bằng cách uống nhiều đồ uống hơn trong ngày.
Nước lọc là lựa chọn tốt nhất, nhưng nếu bạn cảm thấy nhạt miệng và khó uống nước lọc thì đồ uống nóng và những đồ uống có nhiều calo, chẳng hạn như sinh tố và uống sữa không tách béo cũng là những lựa chọn tốt. Đặc biệt, trong trường hợp có sốt nên uống oresol để bù nước và điện giải.
2. Uống đồ uống có đường khi bị COVID-19 có được không?
Đồ uống có đường, bao gồm soda, trà đá, nước tăng lực và cà phê sữa, chứa rất nhiều đường và về cơ bản không có giá trị dinh dưỡng. Thường xuyên uống những thứ này có liên quan đến nguy cơ cao phát triển các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh gout và bệnh đái tháo đường type 2.
Đồ uống không đường, chẳng hạn như soda ăn kiêng, có thể không ảnh hưởng đến lượng calo của đồ uống có đường, nhưng một số nhà khoa học lo ngại về tác động của chất làm ngọt nhân tạo đối với sức khỏe của chúng ta.
Dữ liệu ban đầu từ Chương trình PREDICT của ZOE, một nghiên cứu dinh dưỡng lớn nhất thuộc loại này, cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể dẫn đến tăng lượng đường trong máu ở một số người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo duy trì đủ nước bằng cách uống nhiều nước như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
3. 8 dấu hiệu cơ thể bị mất nước
Học cách lắng nghe cơ thể và phát hiện các dấu hiệu mất nước. Hãy chú ý đến:
- Nước tiểu màu vàng sẫm và có mùi nồng.
- Đi tiểu ít và ít hơn 4 lần một ngày.
- Khô miệng và / hoặc trũng da.
- Khát nước.
- Đau đầu.
- Kém tập trung.
- Cảm thấy mệt mỏi và / hoặc chóng mặt.
- Lú lẫn và / hoặc kích động.
Để giữ đủ nước, hãy đảm bảo rằng bạn uống đủ nước để nước tiểu có màu vàng nhạt trong suốt cả ngày.
Tốt nhất bạn nên uống nước lọc nếu có thể, thay vì uống nhiều nước ngọt hoặc nước trái cây. Tránh uống quá nhiều trà, cà phê và rượu vì chúng có thể khiến bạn mất nước hơn.
4. Mối nguy hiểm của việc uống quá nhiều nước
Mặc dù điều quan trọng là phải giữ đủ nước, nhưng hãy cẩn thận đừng lạm dụng nó. Uống quá nhiều chất lỏng không giúp cải thiện sức khỏe của bạn hoặc "đẩy lùi bệnh tật", và nó có thể rất nguy hiểm.
Khi uống nhiều nước đến mức vượt qua khả năng xử lý của thận sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng natri trong máu, có thể tàn phá não và cơ thể. Tình trạng này gọi là ngộ độc nước.
Ngộ độc nước nếu không được điều trị, có thể dẫn đến co giật, mất ý thức, hôn mê và tử vong. Nếu bạn đã uống một lượng lớn chất lỏng bất thường, chẳng hạn như một vài lít chất lỏng mỗi giờ trong vài giờ, hãy để ý những dấu hiệu thừa nước sau:
- Đau đầu.
- Chuột rút, co thắt cơ và / hoặc yếu.
- Cảm thấy buồn nôn và / hoặc nôn mửa.
- Cảm thấy mệt mỏi và / hoặc chóng mặt.
- Lú lẫn và / hoặc kích động.
Một số triệu chứng này rất giống với triệu chứng mất nước, nhưng điểm khác biệt chính là màu sắc và lượng nước tiểu của bạn. Uống nhiều nước sẽ gây ra hiện tượng buồn tiểu thường xuyên và nước tiểu của bạn sẽ rất nhạt, gần như nước.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()