Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:10 (GMT +7)
GAMESHOW TRÍ TUỆ: Sai một ly, đi một dặm
Thứ 5, 02/05/2024 | 17:19:55 [GMT +7] A A
Cách truyền tải kiến thức thông qua gameshow truyền hình thường sinh động, dễ hiểu, không khô cứng. Thách thức đặt ra cho những người thực hiện chương trình về kiến thức, trí tuệ là luôn phải đảm bảo tính chính xác. Bất cứ sơ suất nào trong khâu thực hiện cũng dễ dẫn đến hệ lụy đáng tiếc.
Nhiều lỗi khó chấp nhận
Phần lớn các game show trên sóng truyền hình hiện nay được mua bản quyền từ nước ngoài, quá nửa trong số đó là các chương trình âm nhạc. Thời gian gần đây, một số đài truyền hình chú trọng đầu tư game show về kiến thức, thêm gia vị mới cho khán giả. Tuy nhiên, số lượng các chương trình về kiến thức, trí tuệ chưa nhiều, chất lượng lại phập phù vì thường mắc sạn khi phát sóng.
Chương trình Vua tiếng Việt mùa 3 dù có lượng khán giả đông đảo nhưng nhận không ít ý kiến trái chiều về các lỗi kiến thức. Ở mùa 2, BTC đặt câu hỏi cho người chơi chọn phương án đúng “trậm trễ” hay “chậm chễ”.
Người chơi chọn “chậm chễ” và được MC công nhận chính xác, trong cách viết đúng phải là “chậm trễ” - đáp án này không nằm trong hai phương án mà chương trình đưa ra.
Lần khác, Vua tiếng Việt đưa ra một câu hỏi không hợp lý với những từ có cách phát âm gần giống nhau. Chương trình cho rằng viết “lang lổ” là sai chính tả, nên ra đề yêu cầu viết lại từ này cho đúng. Người chơi đưa ra cách sửa là “loang lổ” và được chấp nhận.
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công lập tức nêu ý kiến cho rằng, chương trình lại ra đề sai, vì “lang lổ” và “loang lổ” là hai từ khác nhau. Theo tác giả này, ít nhất có tới 6 cuốn từ điển (xuất bản trước và sau năm 1945) thu thập và giảng nghĩa từ “lang lổ”.
Thực chất, hai từ này là gần nghĩa, hoàn toàn không phải “lang lổ” là lỗi chính tả của “loang lổ” như Vua tiếng Việt nhầm lẫn. Ông Hoàng Tuấn Công cũng chỉ ra cả chục lỗi sai về kiến thức của chương trình kể từ khi vừa phát sóng.
Game show Nhanh như chớp lên sóng từ năm 2018, được mua bản quyền từ Thái Lan cũng gây ồn ào vì sai kiến thức sơ đẳng. Trong tập 31, MC Trường Giang đọc câu hỏi: “Trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Nam Cao, vợ của Tràng ăn liền mấy bát bánh đúc?”. Ở chi tiết này, ban biên tập đã nhầm tên tác giả của truyện ngắn Vợ nhặt. Đây là tác phẩm của nhà văn Kim Lân, không phải nhà văn Nam Cao.
Chương trình Nhanh như chớp cũng khiến người xem tá hỏa vì lỗi sai về kiến thức địa lý khi công bố động Huơng Tích nằm ở Huế. Trong khi đó, địa điểm này thuộc khu du lịch quốc gia đặc biệt Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Một số chương trình về trí tuệ dù được MC giàu kinh nghiệm cầm trịch, có đội ngũ cố vấn chuyên môn cũng khó tránh mắc lỗi.
Game show về kiến thức dù khó cạnh tranh về số lượng với chương trình giải trí khác nhưng vẫn được nhiều khán giả yêu thích. Một số chương trình ghi dấu ấn với đông đảo người xem có thể kể đến Trúc xanh, Chiếc nón kỳ diệu, Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Chung sức, Siêu trí tuệ Việt Nam…
Cẩn trọng để tránh hệ lụy
Đạo diễn Trương Quốc Phong cho rằng, một bộ phận khán giả không hề nhỏ thích những chương trình mang lại giá trị, vui nhưng để học, tham khảo hoặc hữu ích cho bản thân, gia đình, nhất là các con đang trong tuổi ăn học, cần trau dồi thêm nhiều kiến thức về các vấn đề như khoa học thường thức, văn học - lịch sử… Tuy nhiên, không dễ để sản xuất những game show kiến thức cho chất lượng.
“Trở ngại lớn nhất là làm sao cân bằng được yếu tố học thuật và giải trí khi làm game show, làm sao để đưa được kiến thức cần chuyển tải một cách nhịp nhàng, giúp người xem cảm thấy bất ngờ, vỡ òa hoặc thú vị. Chưa kể, kiến thức là một bể học rất rộng, cần lắm sự đào sâu, nghiên cứu một cách cẩn trọng và có trách nhiệm”, đạo diễn Trương Quốc Phong nói.
Ông nhận định những kiến thức về ngôn ngữ, ca dao, dân ca còn cần phải được nghiên cứu kỹ kiến thức vùng miền, những dị bản để tránh trường hợp chủ quan, sai kiến thức hoặc gây ra tranh cãi. Đáp án nếu không chính xác, sai lệch rất dễ gây ra hệ lụy bởi, lệch lạc kiến thức.
Vì vậy, đội ngũ cố vấn, giám khảo có vai trò rất quan trọng trong các game show trí tuệ. TS. Đỗ Anh Vũ, cố vấn chương trình Vua tiếng Việt cho biết, đội ngũ chuyên gia, cố vấn ngoài việc rà soát lại hệ thống câu hỏi, câu trả lời còn đưa thêm những bình luận, phân tích để mở rộng vấn đề, góp phần mang đến lượng thông tin bổ ích ở mức cao nhất. Họ cũng là trọng tài trong những tình huống phát sinh tranh luận hoặc chưa thống nhất liên quan đến câu hỏi hoặc phần trả lời của người chơi.
Để hạn chế sự cố và lỗi sai, TS. Đỗ Anh Vũ nêu giải pháp cẩn thận trong từng khâu, từng bước khi thiết kế và sản xuất một chương trình.
“Đầu tiên là phần soạn câu hỏi, đáp án, chuẩn bị tư liệu của ban thư ký. Tiếp đến là vai trò của các chuyên gia/ cố vấn khi xem kịch bản. Cuối cùng là vai trò của những người duyệt chương trình trước khi phát sóng chính thức. Ê-kíp thực hiện nên biết lắng nghe ý kiến phản hồi, góp ý từ khán giả truyền hình, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn cao”, ông Vũ nói.
Khi chương trình phát sóng, MC cũng đóng vai trò bộ lọc hiệu quả. Vì vậy, ban tổ chức nên ưu tiên chọn MC có nền tảng kiến thức tốt để kịp thời nhận ra sai sót, xử lý sự cố phát sinh.
“Người dẫn chương trình không vô can khi để xuất hiện những lỗi sai kiến thức sơ đẳng, càng không thể chỉ biết nhận kịch bản và nội dung, sau đó phát ra như chiếc máy”, đạo diễn Trương Quốc Phong bày tỏ.
Game show kiến thức hay giải trí thuần túy cũng cần làm mới, thay đổi định dạng và linh hoạt mời thêm nghệ sĩ nổi tiếng tham gia để tăng sức hút.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()